Trong suốt quá trình chống phá cách mạng bằng chiến lược “Diễn
biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn đặt trọng tâm và chĩa mũi nhọn vào
chống phá Đảng và chế độ, với mọi thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Gần đây, họ rêu
rao rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang là nhóm lợi ích lớn nhất”. Đây là luận
điệu hoàn toàn vu khống, xuyên tạc trắng trợn bản chất, mục đích hoạt động của
Đảng Cộng sản Việt Nam, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
Thực
tiễn phát triển ở các nước trên thế giới cho thấy, sự ra đời của nhóm lợi ích
như là một tất yếu trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đó là tập
hợp các cá nhân có chung một hay nhiều lợi ích, như: về kinh tế, chính trị, môi
trường, v.v. Hoạt động của họ diễn ra với hình thức khác nhau, khi ngấm ngầm,
khi công khai để tạo áp lực, tác động đến cơ quan nhà nước trong việc ban hành
chính sách, pháp luật, các vấn đề kinh tế, xã hội,… nhằm đạt được lợi ích của
họ. Các nhóm này có thể được tổ chức chặt chẽ, hoạt động lâu dài, công khai,
hoặc chỉ liên kết tạm thời cho đến khi đạt được mục đích. Một số quốc gia đã
thừa nhận hoạt động của nhóm lợi ích, coi đó như một kênh phản biện xã hội,
hình thức dân chủ, để nhà nước tham khảo, nắm dư luận, tạo cân bằng lợi ích
giữa các tầng lớp nhân dân. Dưới góc độ này, hoạt động của nhóm lợi ích mang
tính tích cực, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách công của quốc gia. Bên
cạnh đó, có những nhóm hoạt động “ngầm”, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, hình
thành nên “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, lũng đoạn, độc quyền trong sản xuất,
kinh doanh, thâu tóm quyền lực, làm cho xã hội phát triển lệch lạc, mất công
bằng, bình đẳng. Vì vậy, nói đến nhóm lợi ích, được hiểu theo cả hai nghĩa:
tích cực và tiêu cực.
Còn
ở Việt Nam, nói đến “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”, là thuật ngữ được dư luận
hiểu theo nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Bởi vì, trên thực tế, xuất phát từ lợi ích
cá nhân mà một số người có “quyền”, có “tiền” câu kết “ngầm” với nhau tác động
đến việc hoạch định chính sách, pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đất
đai, xây dựng cơ bản, ngân hàng,… để làm sao họ trục lợi được nhiều nhất, mang
lại nguồn thu cao nhất. Ngoài ra, nhóm này còn theo đuổi lợi ích về chính trị,
danh vọng, quyền lực, chỗ làm cho người thân,… gây tác hại nghiêm trọng đến tâm
lý, dư luận, đời sống xã hội và thậm chí nguy hiểm hơn có thể dẫn đến sự phát
triển chệch hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Điều này không chỉ được dư
luận, các phương tiện truyền thông, mà nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà
nước đã lên tiếng cảnh báo, đấu tranh quyết liệt. Chính vì vậy, Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng xác định, đấu tranh chống “lợi ích
nhóm” là nhiệm vụ quan trọng.
Từ
đó cho thấy, nhóm lợi ích, tuy có tích cực, cũng chỉ đại diện của một nhóm nhỏ,
thậm chí rất nhỏ trong xã hội và mang tính tự phát, tổ chức lỏng lẻo. Nó không
phải và không thể là đa số đại diện cho quốc gia, dân tộc, càng không thể trở
thành lực lượng lãnh đạo đất nước. Đó là chưa nói đến những nguy hại đối với xã
hội do nhóm lợi ích tiêu cực gây ra. Thế mà, các thế lực thù địch lại gán cho
Đảng Cộng sản Việt Nam như là một nhóm lợi ích, đồng nhất với nhóm lợi ích
khác. Đúng là, “ăn ốc nói mò”, “ăn không nói có”.
Chúng
ta đều biết, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn
luyện, là tổ chức chặt chẽ nhất, mang bản chất giai cấp công nhân và có tính
nhân dân rộng rãi. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tập trung dân chủ làm nguyên tắc
tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê
bình là quy luật tồn tại và phát triển, v.v. Mục đích của Đảng là xây dựng nước
Việt Nam độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện
thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, xét về
tổ chức, tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động, thì Đảng Cộng sản Việt Nam
không thể là nhóm lợi ích như các thế lực thù địch rêu rao. Thực tiễn lãnh đạo
cách mạng Việt Nam 86 năm qua của Đảng đã minh chứng rõ điều này, xin nêu mấy
nội dung cơ bản sau:
1. Đảng
Cộng sản Việt Nam đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân
lao động và của cả dân tộc. Điều này luôn được Đảng khẳng định, ghi trong
Cương lĩnh chính trị, Điều lệ từ khi thành lập đến nay, và được Chủ tịch Hồ Chí
Minh nhiều lần khẳng định. Trên thực tế, Đảng không chỉ kết nạp vào hàng ngũ
của mình những người ưu tú trong giai cấp công nhân, mà còn cả những người ưu
tú trong các tầng lớp nhân dân lao động, các dân tộc, tôn giáo. Đó là cơ sở xã
hội rộng rãi, vững chắc, mà đảng viên là đại diện, có chung lợi ích với các
tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, lợi ích của Đảng
là thống nhất với lợi ích của giai cấp và của cả dân tộc. Nó hoàn toàn khác với
các nhóm lợi ích theo cách hiểu thông thường - đại diện của số ít người.
Không
chỉ có vậy, quá trình hoạt động, Đảng luôn tuyệt đối trung thành, đặt lợi ích
của quốc gia, dân tộc lên trên, giải quyết hài hòa mối quan hệ giai cấp và dân
tộc. Trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, trước yêu cầu bức thiết phải
giành cho được độc lập, mang lại ruộng đất cho dân cày, Đảng đã chuyển hướng
mục tiêu đấu tranh từ đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ hằng ngày sang mục tiêu
đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì, “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn
đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì
chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi
của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”1. Với
đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo tiến hành thắng lợi
cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giành độc lập, thống nhất nước nhà;
nhân dân ta được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bởi đế quốc, thực dân, phong
kiến, trở thành người chủ của một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ. Trong cuộc trường chinh đó, đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên,
nhiều đồng chí là lãnh đạo xuất sắc bị giam cầm, tù đày, giết hại2,
là minh chứng cho sự hy sinh quên mình vì nhân dân, vì đất nước, vì dân tộc của
Đảng.
Trước
khó khăn của cuộc sống, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã bám sát thực tiễn, không
ngừng tìm tòi, sáng tạo, tiến hành công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to
lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời
sống nhân dân cực kỳ khó khăn, bị bao vây, cấm vận,… trở thành nước có thu nhập
trung bình, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi, vị thế và uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trước diễn biến phức
tạp về tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta kiên
quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đây là sự thật lịch
sử, dẫu thiện chí hay không, cũng không ai có thể bác bỏ. Đó chẳng phải là bằng
chứng sinh động khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn hành động vì hạnh phúc
của nhân dân, vì sự tiến bộ, phồn vinh của đất nước đó sao?
2. Đảng
Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyền lãnh đạo
đó được hiến định tại Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
năm 2013. Đó là tất yếu khách quan, sự thừa nhận và khẳng định của nhân dân về
địa vị pháp lý lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; thể hiện uy tín, ảnh hưởng của
Đảng trong lòng dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng
được thực hiện bằng cương lĩnh chính trị, chiến lược, bằng công tác tuyên
truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động
gương mẫu của đảng viên. Sự lãnh đạo đó còn thông qua tổ chức đảng và đảng viên
hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị; phát huy mạnh mẽ vai trò,
tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống
chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống
ấy; gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt
động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chứ không phải độc quyền nhà nước,
đứng trên pháp luật như các thế lực thù địch rêu rao!
3.
Với tư cách của một Đảng cách mạng chân chính, đạo đức và văn minh, Đảng
Cộng sản Việt Nam không thiên vị, dung túng, bao che cho những sai lầm, khuyết
điểm, tiêu cực, tham nhũng của đảng viên, cán bộ. Là một thực thể xã hội,
trong quá trình hoạt động, cán bộ, đảng viên của Đảng bên cạnh những ưu điểm,
không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm. Đặc biệt, khi đã có chính quyền,
đảng viên nói chung, nhất là những người ở vị trí chủ trì, chủ chốt, có chức,
có quyền nói riêng, nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện thì rất dễ dẫn đến suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là nguy cơ đối với đảng cầm quyền
đã được V.I. Lê-nin cảnh báo từ rất sớm. Song, những đảng viên ấy, sớm muộn
cũng sẽ bị loại ra khỏi hàng ngũ. Điều quan trọng là Đảng đã nhận ra khuyết
điểm của mình, đề ra biện pháp kiên quyết khắc phục, nâng cao năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Đúng như Hồ Chí Minh đã khẳng
định, một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình là một đảng mạnh. Những
đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước đều phải xử lý theo
Điều lệ Đảng và bình đẳng trước pháp luật, không có “vùng cấm” nào cả. Việc làm
này được Đảng tiến hành thường xuyên trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thông
qua các đợt tự phê bình và phê bình, “chỉnh đốn Đảng”. Vì vậy, không nên quy
chụp, lấy hiện tượng, dù là “bộ phận không nhỏ” này để đánh giá, quy kết bản
chất của Đảng. Bởi như C.Mác đã nói: nếu mọi hiện tượng đều phản ánh đúng bản
chất thì mọi khoa học đều trở lên thừa.
Gần
đây nhất, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, từ năm
2012 đến năm 2014, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật trên 54.000 đảng viên và xóa tên,
cho ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp, trong đó có nhiều đảng viên phải truy
tố trước pháp luật. Cùng với đó, việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng được
đẩy mạnh; nhiều vụ án nghiêm trọng đã đưa ra xét xử theo quy định của pháp
luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Đành rằng, đó là sự mất mát, bài
học đau xót đối với Đảng, nhưng là việc phải làm và Đảng ta đã kiên quyết làm
một cách nghiêm túc, triệt để. Qua đó, góp phần răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi
tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tăng cường giáo
dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Do
đó, Đảng luôn được nhân dân tin tưởng, coi đó là Đảng của mình.
Từ phân tích trên cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy độc
lập dân tộc, sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu hành
động, ngoài ra Đảng không có lợi ích nào khác. Vì vậy, quan điểm cho rằng:
“Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ là nhóm lợi ích” là hoàn toàn không có cơ sở.
Thực chất, đây là sự xuyên tạc trắng trợn nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và
chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao cảnh giác
và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
HOÀNG
TRƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét