Trong
lịch sử, mỗi cuộc cách mạng xã hội nổ ra, giành thắng lợi đều có
nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nhân tố quyết định là
lực lượng tiên phong lãnh đạo và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân
dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một cuộc cách mạng
như thế. Đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận.
Thế nhưng, vẫn cứ có quan điểm cho rằng, Cách mạng Tháng
Tám năm 1945 giành thắng lợi là nhờ “ăn may” mà có(!) Đây là luận điệu sai
trái, phản khoa học, nằm trong âm mưu và chiến lược chống phá cách
mạng của các thế lực thù địch, phản động, mà trước hết là chĩa mũi
nhọn chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
đối với những thắng lợi vĩ đại của các mạng, những sự kiện lịch sử của dân tộc
qua các thời kỳ. Trong đó, luận điệu lố bịch nêu trên về thắng lợi của Cách
mạng Tháng Tám chỉ là một trong những dẫn chứng điển hình.
Đảng
Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập
mùa Xuân năm 1930 đã đề ra mục tiêu và kiên trì lãnh đạo toàn dân tộc
đấu tranh làm cho nước Nam
hoàn toàn độc lập, tạo tiền đề để xây dựng một xã hội tốt
đẹp - xã hội xã hội chủ nghĩa; kết hợp chặt chẽ giải phóng dân
tộc với giải phóng xã hội, vì quyền tự do, hạnh phúc của người dân
Việt Nam bị đọa đầy, đau khổ dưới ách áp bức thống trị của chế độ
thực dân, phong kiến. Sự thật lịch sử là trước khi Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra
sôi nổi, từ lập trường Cần Vương đến xu hướng tư sản, tiểu tư sản,
qua khảo nghiệm của lịch sử đều lần lượt thất bại. Chỉ khi Đảng
Cộng sản Việt Nam ra đời, với cương lĩnh, đường lối đúng đắn, phù hợp
với tình hình trong nước và quốc tế lúc bấy giờ, cách mạng Việt Nam bước sang
giai đoạn mới. Trải qua các cao trào cách mạng: 1930-1931, 1936-1939 và
đặc biệt là cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945, trực tiếp dẫn tới
thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Lịch sử càng lùi xa, với hiện
thực và tư liệu sống động càng làm rõ sự lãnh đạo của Đảng và lãnh
tụ Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng
Tháng Tám - cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ
XX. Hiện thực khách quan này không thể phủ nhận!
Điều
đó được thể hiện trước hết là Đảng
Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu và không ngừng phát triển,
hoàn thiện đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngay từ năm
1920, tại nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ quan điểm: độc lập cho
Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đấy là tất cả những gì tôi
muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu. Cương lĩnh năm 1930 của Đảng
hướng chủ yếu vào mục tiêu đánh đổ sự thống trị của thực dân Pháp
và phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân
cày và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Tư tưởng đặt
lên hàng đầu mục tiêu giải phóng dân tộc của Người được Hội nghị
Trung ương Đảng (tháng 11-1939) đặc biệt nhấn mạnh và khi cách mạng
thành công sẽ xóa bỏ chế độ quân chủ phong kiến, đánh đổ chế độ
thực dân, xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ Việt Nam. Trước sự thay
đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước lúc bấy giờ, Đảng chủ trương đặt nhiệm vụ
giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đặt khởi nghĩa vũ trang giành
chính quyền là nhiệm vụ trung tâm. Tập trung xây dựng Mặt trận Việt
Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc với chương trình hành động và
những chính sách cụ thể, thiết thực; chú trọng phân tích tình thế
cách mạng và nắm bắt thời cơ; thống nhất tư tưởng, ý chí và hành
động; xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa
cách mạng; chủ động đề ra đường lối, chủ trương nêu cao ngọn cờ giải
phóng dân tộc, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước
hết, đã dẫn dắt phong trào cách mạng không ngừng phát triển và
thành công. Đường lối đó dựa trên sự phân tích và nhận thức sâu sắc
đặc điểm, hoàn cảnh của đất nước, những mâu thuẫn cơ bản và chủ
yếu của xã hội, nguyện vọng, khát vọng độc lập, quyền sống của
nhân dân và sự phát triển của tình hình quốc tế. Đồng thời, là sự
vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin
về chiến tranh và cách mạng, về khởi nghĩa vũ trang, về vấn đề
chính quyền nhà nước. Bởi thế, Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra đúng
như chủ trương, định hướng của Đảng và giành thắng lợi. Giá trị khoa
học và thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám không tách rời quan điểm,
đường lối sáng tạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với sự
nghiệp cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nguyên nhân dẫn
đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám có cả khách quan và chủ quan.
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhân tố khách quan, đó là sự
biến chuyển của tình hình thế giới, khu vực ở thời điểm đó đã tác động tích
cực, tạo thuận lợi đối với cách mạng Việt Nam. Nhưng phải thấy nhân tố chủ
quan, đó là sự nỗ lực của Đảng và nhân dân ta giữ vai trò quyết định. Điều đó
thể hiện ở đường lối, chủ trương, phương pháp cách mạng đúng đắn và biểu hiện
cụ thể ở việc nắm bắt và tận dụng thời cơ chín muồi cũng như tập hợp, xây dựng
lực lượng cách mạng đủ mạnh để sẵn sàng cho tổng khởi nghĩa. Sự thật là vậy, mà
sự thật lịch sử thì mãi mãi là sự thật và giá trị của nó là ở đó. Thế nhưng các
thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị vẫn ra sức xuyên tạc, bóp méo sự
thật, dù họ vẫn biết là vô vọng. Thật vô lý, kệch cỡm và nực cười!
Để
chuẩn bị thực lực cách mạng, đảm bảo cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến, Đảng
ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng tổ chức Việt Minh để
giác ngộ, tập hợp quần chúng nhân dân. Từ lực lượng chính trị của
quần chúng để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng: Đội Cứu quốc quân (1941), Đội Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân (22-12-1944)
và Việt Nam giải
phóng quân (15-5-1945).
Lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng lãnh đạo tạo nên sức mạnh của
cách mạng, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân
dân. Trong cao trào giải phóng dân tộc, lực lượng chính trị của quần
chúng được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh nhằm động viên cao độ ý
thức dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân. Mặt trận có hệ thống
tổ chức chặt chẽ với chương trình hành động và chính sách cụ thể,
nên có vai trò to lớn trong đoàn kết lực lượng toàn dân, tuyên truyền
và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Thành viên của Mặt trận là các
hội: Công nhân cứu quốc,
Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Văn hóa cứu
quốc,… có vai trò rất quan trọng trong huấn luyện, tuyên truyền
và tổ chức đấu tranh, tạo sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Sự kết
hợp phát triển lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, đấu
tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển phong trào cách mạng
ở vùng rừng núi, nông thôn, đồng bằng và các đô thị là nét nổi bật
trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, bảo đảm sự chủ động và hỗ trợ
giữa các địa bàn cả nước. Từ khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi
từng bước đã củng cố và phát triển sức mạnh thực tế của cách
mạng. Đứng về phe đồng minh chống phát-xít, song Đảng luôn nhấn mạnh
phải tăng cường thực lực cách mạng của chính mình mới có thể giành
được thắng lợi. Cách mạng phải có sức mạnh thật sự, không được ỷ
lại vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Nhân tố chủ quan và nội lực, ý
chí tự lực, tự cường bao giờ cũng có vai trò quyết định, thuận lợi
từ hoàn cảnh khách quan là quan trọng cần biết tranh thủ. Đó là
những vấn đề cần được nhận thức rõ trong khoa học lãnh đạo cách
mạng.
Sự
nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh lãnh đạo,
ngay từ đầu đã nêu cao
chủ nghĩa quốc tế trong sáng, phấn đấu vì sự nghiệp đấu tranh chung
của loài người chống áp bức, bất công và tranh thủ sự ủng hộ, giúp
đỡ của bạn bè quốc tế. Chủ nghĩa quốc tế được Việt
Nam - Hồ Chí Minh biểu hiện không chỉ trong quan hệ với những người đồng
chí cùng ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa, mà còn với tất cả người yêu
chuộng hòa bình, khát vọng độc lập, tự do trên thế giới. Hồ Chí Minh là
chiến sĩ quốc tế lỗi lạc và Người đã rèn luyện Đảng tinh thần
quốc tế cao cả đó. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
trở thành một bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, chúng ta đã
tranh thủ sự giúp đỡ của các nước đồng minh ủng hộ Việt Nam - yếu tố
rất quan trọng làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công. Đồng thời, cũng thể hiện
sự tài tình của Đảng, Bác Hồ trong chỉ đạo chiến lược cách mạng, tập hợp lực
lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự
do cho dân tộc.
Trong
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự
lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự nắm bắt thời cơ, đẩy lùi
nguy cơ để giành thắng lợi nhanh và ít tổn thất. Từ tháng 6-1940, khi nước
Pháp bị phát-xít Nhật xâm chiếm, thế lực Pháp ở Đông Dương suy yếu, Nguyễn Ái
Quốc đã nhìn thấy cơ hội giành độc lập. Người đã quyết định cùng các đồng chí
của mình trở về Tổ quốc. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) đã phân tích thời
cơ cách mạng và đặt ra yêu cầu chủ động nắm bắt thời cơ trên cơ sở thúc đẩy
phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng về mọi mặt. Tháng 10-1944, Hồ Chí Minh
có thư gửi đồng bào toàn quốc, trong đó nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị
tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho
dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp.
Ta phải làm nhanh”1. Phải làm nhanh nghĩa là ra sức phát triển lực
lượng, thực lực của cách mạng để khi có cơ hội thuận lợi mới có thể đi tới
thành công. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”
(12-3-1945) phân tích sự khủng hoảng chính trị - mâu thuẫn Nhật - Pháp; sự phát
triển của phong trào cách mạng trên cả nước và vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng
thời, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước và thúc đẩy cơ hội giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau
chín muồi. Tháng 8-1945, cao trào cách mạng giải phóng phát triển mạnh mẽ
trên cả nước và khi Nhật đầu hàng đồng minh, Đảng đã phát động tổng khởi nghĩa.
Thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám là ở nửa cuối tháng 8-1945. Nếu khởi nghĩa
trước khi Nhật đầu hàng đồng minh, cách mạng sẽ gặp khó khăn; nếu để qua tháng
8 mới khởi nghĩa, cách mạng sẽ phải đương đầu với khó khăn, phức tạp khi quân
đồng minh (Anh, Trung Hoa) kéo vào để tước vũ khí quân Nhật và thực hiện những
toan tính của họ. Khi đó, quân Pháp lợi dụng sự thất bại của Nhật để quay lại cai
trị Việt Nam và Đông Dương như trước ngày 09-3-1945. Đó là những nguy cơ mà
Đảng, Hồ Chí Minh đã phân tích và phải vượt qua. Phát huy ý chí tự lực tự cường
và sức mạnh toàn dân tộc, chủ động đón thời cơ và đẩy lùi nguy cơ, là thành
công nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Đảng.
Sự
lãnh đạo của Đảng còn thể hiện ở
ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy
cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Nghị quyết
của Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 và 15-8-1945) đã nêu rõ: “1. Cơ hội
rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. 2. Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả
mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: a) Tập trung - tập trung lực lượng
vào những việc chính. b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự,
chính trị, hành động và chỉ huy. c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ
cơ hội. 3. Mục đích cuộc chiến đấu của ta lúc này là giành quyền độc lập hoàn
toàn”2. Để đẩy lùi nguy cơ, Đảng nhấn mạnh: “Chính sách chúng ta là
phải tránh cái trường hợp một mình phải đối phó với nhiều lực lượng đồng minh
(Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt Chính phủ của Pháp Đờ-Gôn hay một
chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc. Bởi vậy, cần phải tranh thủ
sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của một số quân phiệt Tàu định
chiếm nước ta. Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi
giữa ta và đồng minh”. Những quyết định sáng suốt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng
tạo, quyết đoán của Đảng, cùng với sự chủ động, năng động, trách nhiệm cao
trong lãnh đạo khởi nghĩa của các tổ chức đảng và Việt Minh ở các địa phương đã
làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với đường lối đấu tranh vì
lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, vì nền độc lập hoàn toàn, Đảng đã tập
hợp đoàn kết toàn dân, cổ vũ bởi tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do
và với vai trò tổ chức, chỉ đạo sáng tạo, tập trung, thống nhất, kịp thời, chọn
đúng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng
lợi vẻ vang, mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại đất nước được
độc lập, nhân dân làm chủ và từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thật
lịch sử sáng tỏ như ánh sáng mặt trời, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và
được nhân dân thế giới khâm phục.
Tất
cả những điều đó đã thể hiện rõ sự tài tình, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo
của Đảng và Bác Hồ kính yêu - yếu tố quyết định để làm nên Cách mạng Tháng Tám
vĩ đại. Những luận điệu cố tình phủ nhận, xuyên tạc lịch sử là hành động phản
khoa học, với mưu đồ xấu. Về đạo lý, đó là hành động vô ơn đối với các thế hệ
đã làm nên lịch sử. Về chính trị, là thể hiện lập trường chống cộng, phản động,
đối lập với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân. Những người cố tình
xuyên tạc sự thật về Cách mạng Tháng Tám cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ sự đánh
giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy được sự thật về thắng lợi của cuộc Cách
mạng Tháng Tám năm 1945: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta
có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có
thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân
tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới
15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
PGS, TS.
NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét