Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

MỘT HÀNH ĐỘNG TỘI LỖI

                  Hiện nay, một số người đang lợi dụng không gian kỹ thuật số viết bài xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bôi nhọ lịch sử dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam. Có kẻ đã tưởng tượng ra “Bi kịch Việt Nam”, tạo cớ để các thế lực thù địch công kích vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Đó là một hành động tội lỗi!
            Để thể hiện cái “tâm huyết” chống lại dân tộc, chống lại Đảng, tác giả “Bi kịch Việt Nam” (BKVN) không ngại ngùng đưa lên mạng không chỉ bài viết mà cả lý lịch cá nhân của mình. Ông ta tự giới thiệu mình là nhà văn, là cựu chiến binh và đã gần 70 tuổi. Như vớ được vàng, các thế lực thù địch lập tức phong cho ông ta là “Anh hùng”! Bây giờ chúng ta hãy xem người đó viết những gì mà được các thế lực thù địch ngưỡng mộ và khâm phục đến vậy.
            Xuyên tạc và bôi nhọ chủ nghĩa Mác. Tác giả BKVN viết: “Mọi bất công đau khổ… là do chiếm hữu tư liệu sản xuất. Và: Lịch sử của tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp! Từ nhận thức vội vàng, nông nổi, lầm lẫn, cực đoan đó, chàng tiến sĩ triết học trẻ tuổi… liền xây dựng lên học thuyết đấu tranh giai cấp để tạo dựng lên một xã hội không còn chiếm hữu tư liệu sản xuất,… Đó là tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Mác”.
            Ngỡ mình là một tài năng, một trí tuệ lớn và đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, tác giả BKVN cho rằng: mọi người có thể tin những điều mình nói. Chẳng nhẽ Ông ta không hiểu rằng cái lý lịch cho dù có đẹp đẽ ra sao, cho dù tuổi tác đáng để mọi người phải kính trọng như thế nào thì cũng chẳng có giá trị gì – khi lại nói những điều trái với sự thật và trái với lương tri. Ngược lại, đó chỉ có thể là chuyện khôi hài đối với mọi người mà thôi. Giống như câu chuyện tiếu lâm kể về một thầy lang dốt nát, khi cho người đau bụng uống nhân sâm. Người bệnh chết chỉ vì thầy lang mới đọc mệnh đề “phúc thống phục nhân sâm…” (đau bụng uống sâm) ở trang trước mà quên không đọc hai chữ “tắc tử” (sẽ chết) ở trang sau. Tác giả BKVN không hiểu tư tưởng cơ bản, chủ yếu của C. Mác, Ông ta nhắc lại những điều mà những kẻ chống C. Mác đã nói ngay khi C. Mác còn sống, cách đây trên 150 năm.
            Về vấn đề sở hữu, chính trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã viết: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác…”.
            Phải chăng “Thế kỷ XXI chủ nghĩa Mác đã lùi xa”? Tác giả BKVN viết: “Loài người đã bước sang thế kỷ XXI. Thế kỷ của chủ nghĩa Mác đã vĩnh viễn kết thúc và lùi xa rồi!”. Về nhận định này, xin lưu ý bạn đọc rằng, đây là nội dung mà những phần tử “bất đồng chính kiến” đã viết từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhân đây xin được cung cấp cho tác giả BKVN một thông tin từ trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới - Đại học Cambridge (Anh). Vào năm 1999, trường đại học này đã tổ chức một cuộc thăm dò bình chọn nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ. Kết quả là C. Mác đứng đầu, Einstein đứng thứ hai. Tháng 7 năm 2005, với câu hỏi tương tự, trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình “Thời đại chúng ta” (In Our Time) trên kênh Radio 4 của BBC đã có 27,9% thính giả đã chọn C. Mác là “nhà tư tưởng ưa thích” của họ, và C. Mác vẫn là người đứng đầu.
            Hiện nay, ở nhiều nước tư bản phát triển (TBPT), người ta vẫn duy trì bảo tàng, viện nghiên cứu về C. Mác, như: ở Đức, Pháp… và nhiều nhà khoa học lớn vẫn đang nghiên cứu C. Mác. Giáo sư, tiến sĩ Michel Vadée, trong công trình lớn “C. Mác - Nhà tư tưởng của cái có thể”, đã tự giao cho mình một nhiệm vụ khoa học, không phải là phân tích, bình luận, phát triển tư tưởng C. Mác… mà đơn giản chỉ là đọc lại C. Mác một cách nghiêm túc, đặt những công trình của C. Mác vào đúng hoàn cảnh lịch sử của nó. Vì theo Giáo sư, ngày nay đã có không ít người hiểu không đúng tư tưởng của C. Mác. Trong lời mở đầu công trình, Giáo sư viết: “Sức sống của một tư tưởng được tính bằng con số những cuộc tranh luận và những cuộc đấu tranh mà nó tạo ra. Về mặt này, chủ nghĩa C. Mác thật đáng được ước ao”. Về giá trị phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, Giáo sư nói: “C. Mác, nhà tư tưởng của cái có thể”. Có lẽ Michel Vadée muốn nói rằng, C. Mác không phải là nhà thiết kế, không phải là người vẽ ra những mô hình cụ thể nào đó về xã hội XHCN, mà trước hết dựa trên những kết quả phân tích về quy luật lịch sử tự nhiên, để chỉ ra xu hướng phát triển của lịch sử nhân loại như là những giả thuyết cho sự phát triển của lịch sử. Về điều này, trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1872, Ph. Ăng-ghen viết: “Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời và do đó không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ở chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại, về nhiều mặt cũng phải viết khác đi… Tuy nhiên, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”. Sinh thời, C. Mác đã có lần nói: Học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho cuộc sống.
            Nhìn lại quá trình vận động, phát triển của chủ nghĩa Mác hơn một thế kỷ qua, Michel Vadée viết: “Sau thời đại giáo điều mác-xít ngự trị và những phê phán triệt để đối với nó, sau những kiểu diễn giải tự do đặc trưng cho một thời kỳ thứ hai trong lịch sử của chủ nghĩa Mác, phải chăng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của nhận thức về Mác”.
            Trong lúc đó tác giả BKVN viết: “Học thuyết đấu tranh giai cấp là tàn bạo”; “Những nhà nước do cách mạng vô sản dựng lên, dùng lý luận chủ nghĩa C. Mác, lý luận làm cách mạng của đám đông… để lại tội ác chưa từng có”… Thật ra, những điều Ông ta nói chẳng qua chỉ là sự sao chép, cóp nhặt những câu chữ rẻ tiền đầy rẫy trên mạng do những kẻ hành nghề chống cộng ở trong và ngoài nước viết ra.
Như C. Mác đã có lần nói: Ông không phải là người phát hiện ra giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhưng đấu tranh giai cấp là một thực tế lịch sử. Những ai có đôi chút kiến thức về lịch sử thế giới đều biết rằng: chế độ nô lệ đã biến con người thành những “công cụ biết nói”. Khá hơn đó một chút là chế độ phong kiến, xã hội “thần dân”. Rồi sự xâm lược của CNĐQ đã biến nhân dân ở các thuộc địa trở thành nô lệ kiểu mới trong chế độ thực dân - phong kiến… mà Việt Nam là một ví dụ.
            Thử hỏi tác giả BKVN rằng: vì sao có sự vận động, phát triển, có các cuộc cách mạng chuyển từ chế độ xã hội này lên chế độ xã hội khác cao hơn? Vì sao có các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nếu đó không phải là do các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc? Đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc là một thực tế khách quan là con đường tất yếu để giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Tất nhiên, ở mỗi thời kỳ lịch sử, nội dung và hình thức của cuộc đấu tranh đó luôn luôn khác nhau.
            Tôn sùng CNTB một cách ngô nghê. Trong một đoạn khác, tác giả BKVN viết: Ở các nước TBPT “nhờ có khoa học - công nghệ hiện đại mà ngày nay CNTB đã trở nên văn minh không còn bóc lột nữa…; không còn những ông chủ làm giầu bằng bóc lột”. Đọc những câu tác giả BKVN tôn sùng CNTB một cách ngô nghê này, người ta không chỉ buồn cười mà còn thấy đáng thương cho Ông. Phải chăng, ở các nước TBPT hiện nay không còn đấu tranh giai cấp, “không còn bóc lột”? Thiết nghĩ câu hỏi này, phong trào “Chiếm phố Uôn” ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới gần đây đã trả lời cụ thể. 
            Chắc rằng tác giả BKVN không biết đến khái niệm “homeless” (người vô gia cư). Khái niệm này ra đời ở chính các nước TBPT. Hiện nay, những người vô gia cư ở Mỹ, Anh, Nhật, Pháp… vẫn hằng ngày đi tìm công ăn việc làm, thậm chí phải xin ăn, tối đến thì ngủ trong hộp carton mục nát. Tất nhiên ở những quốc gia này vẫn được gọi là những quốc gia giầu có vì thu nhập bình quân đầu người rất cao; tiếc rằng, sự phân phối của cải ở đây đã trở thành sự phân hoá giữa những người siêu giầu với những người cực nghèo.
            Nhân đây phải nói thêm rằng: sự giầu có của các nước TBPT không chỉ bắt nguồn từ sự bóc lột lao động ở các nước thuộc địa, các nước nghèo, mà còn là sự cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia đó. Chẳng phải những cuộc xung đột, chiến tranh xâm lược đã và đang diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi, như có nhiều người nói, đều có nguyên nhân từ “cơn khát nhiên liệu, nguyên liệu” của những nước TBPT đó sao?
            Triết lý “bầy đàn” và “cái tôi cá nhân”. Tác giả BKVN nghĩ mình có thể trở thành triết gia của thời đại văn minh, Ông ta viết: “Không có cái tôi cá nhân, chủ nghĩa Mác lại đưa xã hội loài người trở về bầy đàn”. Cứ theo cái lập luận của Ông thì sự phát triển của xã hội loài người chỉ là để tìm đến “cái tôi cá nhân”. Và cái tôi cá nhân còn được Ông tôn sùng như là cái đích của lịch sử.
            Tác giả BKVN nghĩ rằng, cái “thế mạnh, hơn người” của mình là chút ít hiểu biết về lý luận và lịch sử văn học Việt Nam. Với tư duy thiên kiến, chủ quan, hạn hẹp và lộn xộn, Ông ta dường như chỉ biết đến Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới mà nội dung chỉ là “những người Việt Nam khắc khoải đi tìm cái tôi” và chỉ là “ghi lại nỗi thảng thốt sung sướng phát hiện ra Cái Tôi cá nhân trong cuộc đời và sự khắc khoải, bền bỉ đòi hỏi sự nhìn nhận của xã hội đối với Cái Tôi thiêng liêng”… Không hiểu, nếu những tác giả Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới còn sống, đọc những lời bình luận (“bền bỉ đòi hỏi sự nhìn nhận của xã hội đối với Cái Tôi thiêng liêng”) của tác giả BKVN thì các ông sẽ vui hay buồn? Thiết nghĩ, đó không phải là một cách đánh giá đúng giá trị của dòng văn học này. Chúng ta trân trọng và chia sẻ với các tác giả của dòng văn học này là nó đã phản ánh được những số phận và nhân cách của một lớp người trong xã hội thực dân phong kiến. 
            “Nhà văn” - tác giả BKVN đã cố tình “bỏ quên” hoặc “lờ đi” dòng văn học cách mạng với những đóng góp to lớn về cả hai phương diện: nghệ thuật và chính trị. Trong dòng văn học này có Nguyễn Ái Quốc với  “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Tố Hữu với “Từ ấy”, Sóng Hồng (Trường Chinh), Lê Văn Hiến, Hải Triều (về lý luận văn học)... Bên cạch đó, phải kể đến đóng góp to lớn của dòng văn học hiện thực phê phán với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng… Hai dòng văn học này không “khắc khoải đi tìm cái tôi” như tác giả BKVN nghĩ, mà đi tìm giá trị của một dân tộc và ước mơ thoát khỏi thân phận nô lệ.
            Thử hỏi nếu mọi người đều “khắc khoải đi tìm cái tôi” thì số phận của dân tộc Việt Nam sẽ ra sao? Đến đây xin để bạn đọc bình luận về tài năng văn chương và động cơ chính trị của tác giả BKVN.    
            Thật ra sự khác biệt giữa phần “con” với phần “người” trong khái niệm con người, không phải chủ yếu ở nhận thức về cá nhân, về cái tôi, như tác giả BKVN tưởng, mà chủ yếu là nhận thức về quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, với dân tộc, và cao hơn cả là với loài người. Khách quan mà nói, sự tôn sùng cái tôi, cái cá nhân cực đoan như tác giả BKVN là cách sống chưa vượt qua được đặc trưng của lối sống  “bầy đàn” theo đúng nghĩa đen của từ này.
            Cái vĩ đại, tính bền vững của chủ nghĩa Mác mà tác giả BKVN không bao giờ hiểu được là lý luận của các ông dựa trên nghiên cứu lịch sử tự nhiên của loài người, gắn nhận thức chân lý khoa học với giá trị nhân văn. Ph. Ăng-ghen đã từng viết: “Theo quan điểm duy vật lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử, xét đến cùng, là sự sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả C. Mác lẫn tôi, chưa bao giờ khẳng định gì hơn… Chúng ta tự sáng tạo ra lịch sử của chúng ta, nhưng là sáng tạo với những tiền đề và những điều kiện hết sức rõ ràng. Trong những tiền đề và điều kiện đó, điều kiện kinh tế giữ vai trò quyết định cuối cùng”. Về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, các ông đã viết: “Thay cho xã hội cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
            Có thể nói, sự khác biệt của lịch sử nhân loại giữa thế kỷ XX với thế kỷ XIX chính là CNTB đã không còn đóng vai trò độc quyền quyết định số phận của nhân loại. Đối với phong trào giải phóng dân tộc nói chung, với cách mạng Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác thông qua chủ nghĩa Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười đã tạo thành trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc trên tất cả các châu lục. Lịch sử cho thấy, không có chủ nghĩa Mác thì không có chủ nghĩa Lê-nin, không có Cách mạng Tháng Mười. Không có chủ nghĩa Lê-nin, không có Cách mạng Tháng Mười thì cũng không thể có thắng lợi của Đồng minh (trong đó Liên Xô giữ vai trò quyết định) đối với chủ nghĩa phát xít và do đó, không thể có những thắng lợi có ý nghĩa thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
            Đầu óc nô lệ. Với đầu óc nô lệ, tác giả BKVN viết về tiến trình lịch sử của dân tộc ta trong thế kỷ XX như sau: “Theo lôgic lịch sử, tiến trình đó đang lặng lẽ, bền bỉ và vững chắc diễn ra ở Việt Nam thì những người cộng sản nôn nóng vội vã mang bạo lực cách mạng của học thuyết đấu tranh giai cấp sắt máu từ châu Âu xa lạ về Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam vào những cuộc cách mạng, chiến tranh ý thức hệ đẫm máu… đẩy nhân dân vào cuộc sát phạt, tiêu diệt, xung đột, giằng xé, đấu đá, bất ổn, ly tán cả dân tộc suốt từ giữa thế kỷ XX đến tận hôm nay vẫn chưa chấm dứt”.
            Theo tác giả BKVN, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã “phá vỡ cái logic lịch sử đang lặng lẽ, bền bỉ và vững chắc diễn ra ở Việt Nam” - tức là cái xã hội thuộc địa, nửa phong kiến thối nát - là có tội với dân tộc(!) Và các cuộc kháng chiến chống xâm lược đầy hy sinh, gian khổ của cả dân tộc, đánh bại các thế lực đế quốc hung bạo nhất thế giới, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ quyền được sống của nhân dân Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá là “lương tâm của thời đại” thì Ông ta lại gọi là cuộc “chiến tranh ý thức hệ đẫm máu” và đó lại là một tội ác của Đảng Cộng sản Việt Nam!
            Có lẽ cho đến nay không có ai ngoài tác giả BKVN nuối tiếc cái “logic lịch sử”, cái thân phận nô lệ của dân tộc ta trước Cách mạng Tháng Tám. Và có lẽ cũng không một người có lương tri nào, kể cả những cựu binh Mỹ lại phủ nhận cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược của dân tộc ta - một cuộc chiến tranh vì chính nghĩa, vì công lý và nhân phẩm của một dân tộc.
            Tương tự như Cù Huy Hà Vũ, tác giả BKVN muốn đổ lỗi mọi hy sinh, tổn thất của dân tộc, mọi tội ác của CNĐQ cho Đảng Cộng sản Việt Nam - rằng các cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ XX là chiến tranh “huynh đệ tương tàn”! Nhân đây xin được hỏi tác giả BKVN rằng: Hơn 2 triệu người chết đói năm 1945 và cuộc chiến tranh mang tính diệt chủng với chất độc da cam/đi-ô-xin, với pháo đài bay B52 hòng “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”… là tội ác của ai, do ai gây ra? Phải chăng đó là do Đảng Cộng sản Việt Nam, do chủ nghĩa Mác gây ra? Hay là do dân tộc này không “ngoan ngoãn” chấp nhận kiếp sống nô lệ “theo cái lôgic lịch sử”, hoặc không đáng được làm người như người dân ở các nước TBPT mà Ông tôn sùng?
            Điều phải lên án đối với tác giả BKVN là: đã từng là cựu chiến binh (theo ông ta nói) mà lại nuối tiếc cái thân phận nô lệ dưới thời thực dân phong kiến. Và chỉ vì những tham vọng cá nhân mà ông ta đã phủ nhận thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Một thành quả đã phải trả giá bằng không biết bao nhiêu hy sinh xương máu của đồng bào và chiến sĩ, một thành quả đã trở thành giá trị mang tính thời đại của dân tộc ta trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX… 
Lý lẽ và hành vi của tác giả BKVN không chỉ trái với đạo lý, với lương tri mà còn có tội với vong linh của đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Hành động của tác giả BKVN quả thực là hành động tội lỗi!
                                                                                    THÀNH TRUNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét