Hằng ngày, thông qua in-tơ-nét chúng ta tiếp cận được lượng
thông tin khổng lồ; trong đó, có rất nhiều thông tin hữu ích, nhưng cũng không
ít thông tin thất thiệt với nội dung xấu, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia,
chống phá Đảng, chế độ và sự phát triển đất nước. Vì vậy, cần cảnh giác, tích
cực đấu tranh phản bác loại thông tin này.
Thực
tế cho thấy, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, quyền dân chủ, tự do
thông tin của người dân trên in-tơ-nét thông qua các mạng xã hội và công cụ
thông tin, như: Facebook, Twitte, YouTube, Google, Yahoochat, Gmail,… phát
triển rất nhanh, liên kết, lan tỏa sâu rộng, với hàng tỷ người sử dụng. Việt
Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển,
ứng dụng in-tơ-nét hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, với gần 52% dân số sử
dụng và hơn 100 triệu thuê bao điện thoại di động; mạng xã hội được người Việt
sử dụng nhiều nhất là Facebook (khoảng trên 30 triệu người).
In-tơ-nét
đã tạo cơ hội thuận lợi để các tổ chức, cá nhân mở rộng phương thức khai thác
thông tin, tăng cường quan hệ giao lưu, hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác,
hiểu biết, giúp nhau cùng phát triển. Đồng thời, qua đó có thể nêu ý kiến, góp
ý, phản biện với Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, giải pháp xây dựng và
phát triển đất nước. Có thể khẳng định rằng, ở Việt Nam, quyền tự do thông tin
của người dân thông qua mạng in-tơ-nét ngày càng được đảm bảo tốt hơn, góp phần
tích cực nâng cao dân trí, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập
quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy
nhiên, triệt để lợi dụng in-tơ-nét, các thế lực thù địch ở nước ngoài câu kết
với phần tử phản động, cơ hội, thoái hóa biến chất trong nước gia tăng các
thông tin thất thiệt để tuyên truyền chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng,
văn hóa, nói xấu Đảng, chế độ, chia rẽ sự đồng thuận xã hội. Theo thống kê chưa
đầy đủ, hiện có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong; 380 báo, tạp chí và 60
đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn
trang web thường đăng tải tin, bài, xuất bản những ấn phẩm có nội dung chống
Nhà nước Việt Nam. Ở trong nước, cũng có hàng trăm trang web, blog, Facebook,…
do một số kẻ cơ hội, phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất đội lốt “dân chủ”
lập nên, lợi dụng “phản biện xã hội” để tung tin thất thiệt, chống phá sự phát
triển của đất nước. Mục đích của chúng là đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn
biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xã hội và nội
bộ, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân
dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, gây mất ổn định về chính trị, trật tự, an
toàn xã hội, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, thiết lập chế độ dân chủ tư
sản “đa nguyên, đa đảng” ở nước ta. Nội dung của những thông tin này chủ yếu
là: xuyên tạc lịch sử, truyền thống dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng,
chính sách, pháp luật Nhà nước; nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, v.v. Việc đưa loại thông tin này trên in-tơ-nét thường xuyên, tập trung
nhất là vào thời điểm đất nước kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị
trọng đại, hoặc khi tình hình quốc tế, khu vực, trong nước có những diễn biến
phức tạp (tình hình Biển Đông, hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển
miền Trung,…). Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, chúng tập trung chống phá
quyết liệt đại hội Đảng các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, chúng chĩa mũi nhọn
vào phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, với Quân
đội, Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật, dự luật của Nhà nước; phủ định
nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta,
v.v. Thủ đoạn mà chúng sử dụng hết sức tinh vi, thâm độc, với các hình thức
như: tăng cường câu kết trong, ngoài, thành lập các tổ chức ngầm; cử lực lượng
bám tình hình, lợi dụng những sơ hở, hạn chế, bất cấp trong chỉ đạo, quản lý
đất nước của Nhà nước ta để tung tin thất thiệt, xuyên tạc, kích động, chống
phá. Đồng thời, tìm kiếm, thu thập thông tin và những ý kiến khác về: kinh tế,
quân sự, an ninh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tình hình xử lý
kỷ luật cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất,… để bịa đặt, thổi phồng hòng
làm cho thật, giả lẫn lộn, gây rối loạn trong xã hội và nội bộ. Đối tượng chủ
yếu chúng hướng tới là tầng lớp thanh niên, nhất là các du học sinh, người có
trình độ học vấn cao, con em lãnh đạo cấp cao, những cán bộ, đảng viên trẻ có
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoặc vi phạm Điều
lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, bị xử lý kỷ luật, những phần tử cơ hội, xét lại,
bất mãn. Về lực lượng, chúng liên kết chặt chẽ các tổ chức trong và ngoài nước
để thiết lập những “không gian ảo”, tạo ra những trang web đặt máy chủ ở nước
ngoài (gần đây đã bắt đầu xuất hiện một số trang sử dụng tên miền Việt Nam -
tên miền .vn); liên thông, kết nối với những nhóm cơ hội chính trị, như: “thư
ngỏ”, “dân oan”, các “Hội”, “Đoàn”,… những kẻ tự xưng là nhà đấu tranh cho “dân
chủ”, “nhân quyền”, đòi “tự do thông tin”, “chống tham nhũng, cường quyền”,… để
chuyển tải những thông tin thất thiệt phục vụ cho ý đồ của chúng. Điển hình như
các trang: “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Ba Sàm”, “Diễn đàn xã hội dân sự”,
v.v. Ngoài ra, chúng còn thuê tin tặc, sử dụng các biện pháp xâm nhập hệ thống
máy tính, luồn sâu vào cơ quan trọng yếu quốc gia nhằm khai thác tư liệu để
chống phá đất nước, chế độ ta.
Cảnh
giác, đấu tranh với loại thông tin thất thiệt, làm thất bại chiến lược “Diễn
biến hòa bình” trên in-tơ-nét luôn là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách của Đảng,
Nhà nước và nhân dân. Để làm điều đó, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ
cả về thiết chế (luật, pháp lệnh, nghị định,…), biện pháp kỹ thuật và phát huy
sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng, phương tiện và người dân, tăng
cường đấu tranh làm trong sạch, lành mạnh môi trường thông tin trên in-tơ-nét.
Theo đó, các cấp cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên
truyền, giáo dục, định hướng thông tin, tư tưởng cho nhân dân; đồng thời, phát
huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trên in-tơ-nét.
Thực tiễn chỉ ra rằng, khi nào người dân được tiếp cận thông tin chính thống
một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác thì khi đó họ mới có nhận thức đúng và
“miễn dịch”, “tự đề kháng” trước những thông tin thất thiệt, xấu độc; trên cơ
sở đó, chủ động đấu tranh loại bỏ thông tin sai trái này một cách hiệu quả. Vì
thế, để giữ vững “trận địa thông tin”, bảo vệ quyền tự do thông tin, làm trong
sạch môi trường thông tin trong xã hội thì các cấp, nhất là cơ quan chức năng
cần thực hiện nghiêm cơ chế cung cấp thông tin (người phát ngôn) đối với báo
chí, truyền thông để chuyển tải thông tin nhanh, chính xác, phản bác lại mọi
thông tin thất thiệt, độc hại. Đồng thời, qua thông tin chính thống cần chủ
động định hướng tư tưởng cho nhân dân trước những sự kiện “nóng”, nhạy cảm
trong nước và quốc tế tạo sự đồng thuận trong xã hội với chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, cần tuyên truyền để nhân
dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá Nhà nước ta của các thế lực thù địch
trên in-tơ-nét; làm rõ những vấn đề phức tạp mà xã hội đang quan tâm, không để
người dân bị “đói”, bị “nhiễu” thông tin. Theo thống kê của Bộ Thông tin và
Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có: 857 cơ quan báo chí, với trên 18.000 nhà
báo được cấp thẻ nhà báo; có 105 báo, tạp chí điện tử, 248 trang thông tin điện
tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, v.v. Đây là lực lượng quan trọng, vũ khí
sắc bén của Đảng để đấu tranh làm thất bại các quan điểm thù địch, sai trái
trên in-tơ-nét. Trong thời gian tới, lực lượng này cần tiếp tục phát huy tốt
vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, đồng
thời kiên quyết đấu tranh loại bỏ thông tin “bẩn” dưới mọi hình thức.
Cùng
với đó, cần quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao khả năng đấu tranh của
lực lượng nòng cốt, chuyên sâu. Đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch,
sai trái trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa nói chung, trên in-tơ-nét
nói riêng là việc làm thường xuyên nhưng không hề đơn giản. Do đó, cùng với lực
lượng rộng rãi, cần tổ chức lực lượng đấu tranh nòng cốt, chuyên sâu. Đây là
lực lượng có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận, nhiệt huyết,
dũng khí và có trình độ, khả năng chuyên môn cao trong sử dụng các phương tiện
kỹ thuật, khai thác in-tơ-nét để viết bài phản bác các thông tin xấu độc. Tuy
nhiên, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ này, tạo điều kiện cho họ
sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có sức thuyết phục người
đọc, cần chú trọng mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp, kỹ năng viết
bài và khuyến khích, động viên tự học, tự rèn nâng cao trình độ mọi mặt, cập
nhật thông tin, tình hình thực tiễn, v.v. Đồng thời, coi trọng đầu tư, nâng cao
chất lượng cơ sở vật chất, phương tiện,… giúp họ phát huy năng lực trong quá
trình đấu tranh với loại thông tin thất thiệt trên in-tơ-nét. Gắn liền với đó,
cần thực hiện tốt phương châm gắn “xây với chống”, lấy xây là chính, chống là
quan trọng. Trong đó, tập trungxây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, thực hiện
tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tích cực phòng gian, bảo mật, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trong quá
trình thực hiện, cần xây dựng quy chế, quy định sử dụng in-tơ-nét phù hợp với
pháp luật; quản lý chặt chẽ tài liệu mật; nắm chắc địa bàn, nội bộ và các mối
quan hệ xã hội của cán bộ, nhân viên; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, kỷ luật
thông tin, nhất là khi trao đổi, chia sẻ trên các trang mạng xã hội, blog cá
nhân, đảm bảo không để kẻ xấu lợi dụng thông tin để “nhào nặn” thành tin thất
thiệt phục vụ cho mưu đồ của chúng.
MINH
SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét