Những năm qua, trên đất nước ta, các hoạt động phản biện, phản
biện xã hội đã diễn ra khá sôi động và mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên,
do nhận thức chưa đúng hoặc động cơ sai trái nên một số người hoặc nhóm người ở
cả trong nước và nước ngoài đã mượn danh phản biện, phản biện xã hội để kích
động, làm phức tạp tình hình, thậm chí là phản lại lợi ích của dân tộc.
Phản biện xã hội (PBXH) là việc nêu ý kiến chưa đồng tình
của nhân dân đối với những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách, quyết định, dự
án,... của nhà nước, các tổ chức, liên quan đến quyền lợi và đời sống của mọi
thành viên trong xã hội. Mục đích của PBXH là làm sáng tỏ bản chất của vấn đề,
những ưu điểm, hạn chế, những vấn đề chưa hợp lý, bất cập của những chủ trương,
chính sách, quyết định đó. Như vậy, bản chất của PBXH là thực hành dân chủ, góp
phần bổ sung, sửa chữa những khiếm khuyết, sai lầm, đem lại những lợi ích chính
đáng, hợp pháp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. PBXH có ý nghĩa chính trị
sâu sắc, phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân và hơn thế, nó thể
hiện sâu sắc dân chủ XHCN, bản chất nhà nước pháp quyền XHCN - quyền lực thuộc
về nhân dân.
Nhận
thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò của PBXH, Đảng và Nhà nước ta luôn trân trọng lắng
nghe và tiếp thu những ý kiến phản biện, PBXH của các tầng lớp nhân dân. Điều
đó được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng Hiến pháp, hệ thống luật, chính
sách, v.v. Tuy nhiên, cùng với sự đóng góp chân thành có ý thức xây dựng của
các tầng lớp nhân dân, thì một số kẻ đã lợi dụng PBXH để thực hiện âm mưu chống
phá Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân ta. Họ đẩy mạnh thực hiện chiến lược
“Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị
hóa” quân đội và ra sức lợi dụng tự do ngôn luận, lợi dụng PBXH để tập hợp lực
lượng chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, tạo các lực
lượng đối lập, từ “phản biện” đến phản đối và chống đối Đảng và Nhà nước ta. Âm
mưu thâm độc của họ là bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh –
nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN); tiến tới xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam. Đặc biệt là trước và trong quá
trình tổ chức Đại hội nhiệm kỳ của Đảng, các thế lực thù địch, phản động càng
chống phá quyết liệt.
Để
đạt được những mục tiêu đó, khi dùng chiêu bài phản biện, PBXH, chúng cố tình
gây nhiễu thông tin, làm cho nhân dân hiểu sai bản chất của vấn đề. Lực lượng
tiến hành âm mưu này có cả trong nước và ngoài nước, bao gồm những phần tử bất
mãn, thù địch, thậm chí có cả những nhà khoa học, chuyên gia có uy tín nhất
định về một lĩnh vực nào đó. Các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, điển hình như:
“Liên minh Dân tộc Việt Nam” do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu; “Đảng Vì dân” do
Nguyễn Công Bằng và Trịnh Thị Ngọc Anh cầm đầu, v.v. Ở trong nước, có một số tổ
chức lên tiếng phụ họa, mạo danh PBXH đòi tranh luận về thực hiện “đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập” với ngụy biện kệch cỡm rằng: đấy là con đường đúng
đắn và tiến bộ duy nhất giúp Việt Nam phát triển. Họ rêu rao mang tính thách
đố: “Sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Đảng để phản biện, chỉ ra sự sai lầm
trong đường lối đi lên CNXH”. Rằng: “Từ nhiều năm nay, ĐCSVN dẫn dắt dân tộc đi
theo đường lối sai lầm về xây dựng CNXH theo mô hình Xô-viết, được coi là dựa
trên chủ nghĩa Mác – Lê-nin”, v.v. Với một thứ lý luận phiến diện, xa rời lịch
sử và thiếu thực tiễn, họ ra sức lợi dụng PBXH để xuyên tạc, bóp méo sự thật,
chống phá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật
của Nhà nước ta. Đồng thời, họ cố tình không thấy một sự thật hiển nhiên là,
con đường đi lên CNXH không chỉ là sự lựa chọn của Đảng, Bác Hồ, mà còn là sự
lựa chọn của toàn thể nhân dân và dân tộc Việt Nam. Sự lựa chọn đó luôn và sẽ
mãi mãi thống nhất giữa Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta. Lịch sử và thực tiễn đã
chứng minh rõ điều đó và được khẳng định đi lên CNXH là con đường duy nhất đúng
của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách
mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; thực hiện thành công
Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, đánh bại hai đế quốc
sừng sỏ nhất thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành vẻ
vang sự nghiệp giải phóng dân tộc đưa cả nước đi lên CNXH. Tiếp đó, công cuộc
đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đem lại
cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người
của Việt Nam đã đạt khoảng 2.000 USD/người/năm.
Gần
đây, một số hội, đoàn danh xưng (thành lập trái pháp luật), như: “Hội Nhà báo
độc lập”, “Văn đoàn độc lập Việt Nam”, rêu rao là hội ái hữu nghề nghiệp, nhưng
thực chất là tổ chức chính trị - xã hội đối lập, tạo diễn đàn để các phần tử
phản động, bất mãn lợi dụng PBXH đăng tải những bài viết phản động để xuyên tạc
đường lối, chủ trương của Đảng, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Họ kết luận
một cách vô căn cứ rằng: “Văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ
rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn
vong của dân tộc”. Họ không thấy hoặc cố tình không thấy những thành tựu trong
lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam, cũng như việc Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực
hiện rất nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa, con
người Việt Nam. Nổi bật là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) Về xây dựng, phát triển văn hóa,
con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Một
số “nhà lý luận” còn lợi dụng PHXH để kích động, tuyệt đối hóa tự do, dân chủ,
rằng: chúng ta đang xây dựng một xã hội “thiếu một không gian tự do”, “tự do là
không chính trị”, “dân chủ hóa, giải phóng con người là chiếc chìa khóa vạn
năng”, v.v. Ở đây khái niệm tự do đã bị hiểu theo nghĩa không còn tổ chức,
không còn quy tắc, văn hóa, pháp luật, nghĩa là không còn gì ràng buộc. Và họ
vội vã kết luận: nguyên nhân trì trệ về kinh tế là do trì trệ về chính trị. Như
vậy, bằng con đường tiếp cận “khác biệt”, thiếu thực tiễn đó, họ đã đổ lỗi cho
chế độ chính trị của chúng ta. Thử hỏi đất nước sẽ như thế nào nếu tự do, dân
chủ một cách vô nguyên tắc, phi pháp luật? Thực tế đã cho thấy, không thể áp
dụng một cách máy móc kiểu “tự do”, “dân chủ” ở một đất nước nào đó cho đất
nước Việt Nam với những đặc điểm riêng về lịch sử xã hội, kinh tế, chính trị,
văn hóa, trình độ nhận thức của người dân, v.v.
Dân
chủ là một giá trị xã hội và là thành tựu của nhân loại, được hình thành và phụ
thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của
người dân. Thực tế, đa nguyên, đa đảng không phải là yếu tố duy nhất đảm bảo
dân chủ. Bất cứ một xã hội nào, một đảng hay đa đảng, nếu đảng cầm quyền và nhà
nước quan tâm đến cơ chế đảm bảo quyền lực và lợi ích thực sự của nhân dân, tôn
trọng nhân dân, coi nhân dân là gốc, là chủ thể của quyền lực,... thì xã hội đó
thực sự có dân chủ và tự do. Đảng và Nhà nước Việt Nam là như vậy, luôn trân
trọng những ý kiến PBXH; điều quan trọng là những ý kiến đó có tính chất xây
dựng không, có vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc không. Nhà nước ta đại diện
quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối
chính trị của Đảng. Trong Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước ta đều
khẳng định “mọi quyền lực thuộc về nhân dân”, “nhân dân lao động là người chủ
đất nước”. Có thể ở một số ít tổ chức, một số cán bộ nào đó còn vi phạm quyền
làm chủ của nhân dân. Song, đó chỉ là cá biệt, không phải là phổ biến, cho nên
không thể vin vào những hiện tượng đơn lẻ đó mà phủ nhận thành quả về dân chủ,
tự do đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Những mưu đồ thổi phồng hoặc
lợi dụng những hiện tượng đơn lẻ đó để kích động chống đối là những hành động
phản lại lợi ích của dân tộc.
Trên
lĩnh vực kinh tế, họ mượn danh PBXH cho rằng: không để các thành phần kinh tế
nhà nước, kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo; không nên giữ khái niệm “định
hướng XHCN” vì nó trừu tượng, không định lượng được vấn đề, chưa nhận thức rõ
và chưa có mô hình cụ thể, v.v. Và họ đòi phải đẩy mạnh tư nhân hóa các ngành,
lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Về vấn đề đó, Đảng ta đã xác định chủ trương
nhất quán: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân
trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại
hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và
quy định của pháp luật”1. Lợi dụng chủ trương đó và thông qua PBXH
đòi thay đổi cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển và cố
tình phủ định, tìm cách làm suy yếu, vô hiệu hóa vai trò chủ đạo của kinh tế
nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, thực chất là, làm chệch
hướng XHCN của nền kinh tế đất nước, đi từ xóa bỏ mô hình kinh tế đến xóa bỏ
chế độ XHCN. Mưu đồ đó của các thế lực thù địch, phản động là hết sức thâm độc,
nguy hiểm. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được Đảng ta
chỉ rõ: “Đây là một hình thái kinh tế thị trường, vừa tuân theo quy luật của
kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên
tắc và bản chất của CNXH”2.
Trên
thực tế, hiệu quả của định hướng XHCN đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều
lĩnh vực. Nhiều tổ chức kinh tế thế giới đã công nhận Việt Nam là nước sử dụng
các khoản vay có hiệu quả nhất, thực hiện Chương trình “Xóa đói giảm nghèo” tốt
nhất; đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ngày càng được cải
thiện, v.v. Điều đó có được chính là nhờ “định hướng XHCN”. Trên thực tế, định
hướng XHCN là để khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường, điều tiết
mức sống giữa các khu vực, giữa vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực khó
khăn với vùng đồng bằng và giữa các giai tầng trong xã hội.
Hoạt
động PBXH đang tiếp tục diễn ra trong đời sống xã hội với những tín hiệu tích
cực, nhưng chúng ta phải hết sức cảnh giác các thế lực thù địch lợi dụng chống
phá. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thể chế hóa các hoạt động phản biện,
PBXH trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ về đối tượng, phạm
vi, nội dung, hình thức, cơ chế thực hiện PBXH để nâng cao hiệu quả. Trong đó,
cần coi trọng các chế tài xử phạt các hành vi lợi dụng PBXH để chống phá Đảng,
Nhà nước và nhân dân, phản lại lợi ích dân tộc. Đồng thời, tăng cường công tác
quản lý nhà nước trong hoạt động PBXH; chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, bảo đảm cho các hoạt động này diễn ra đúng quy định của pháp
luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã
hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, xây dựng và củng cố chính
quyền nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng -
an ninh của đất nước. Cùng với đó, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên
truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về hoạt động PBXH để đảm
bảo mỗi vấn đề PBXH đều mang tính xây dựng, trung thực, khoa học, khách quan và
thiết thực. Thực hiện tốt các giải pháp trên là phương thức hữu hiệu để phát
huy mặt tích cực của PBXH; đồng thời, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn lợi dụng PBXH
để chống phá nước ta của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
MẠNH DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét