Tiến bộ xã hội đã và đang thúc đẩy các
nước sống trong “ngôi nhà chung thế giới” giải quyết những vấn đề khác biệt
theo xu hướng: “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”. Ấy
vậy mà, những kẻ thâm thù với cách mạng Việt Nam lại dùng những “chiêu trò” cũ
rích để cản trở sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama (từ
ngày 23 đến 25-5-2016) là sự tiếp nối các sự kiện xác lập quan hệ Đối tác toàn
diện hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ (trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước
Trương tấn Sang, năm 2013) và nâng cao hơn trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015). Tuy vậy, chuyến thăm này của Tổng thống B.
Obama có ý nghĩa đánh dấu sự khép lại những trang sử đau buồn giữa hai dân tộc,
mà trách nhiệm thuộc về Hoa Kỳ. Đồng thời, còn được xem là sự hóa giải
nhiều vấn đề chính trị phức tạp giữa hai quốc gia từ thời kỳ chiến tranh
lạnh.
Thế nhưng, trên một số trang mạng “ngoài luồng” trong
nước và hải ngoại, những người tự gọi là “ bất đồng chính kiến”, là “bạn của
người dân Việt Nam” đã cố tình xuyên tạc, bóp méo, nhằm mục đích phá hoại quan
hệ giữa hai nước đang trên đà phát triển. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng
thống Hoa Kỳ, họ đã tung ra “một mớ” thông tin sai trái, độc hại hòng chuyển
hóa chế độ xã hội nước ta sang mô hình “dân chủ, nhân quyền” ngoại nhập. Họ
dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bôi nhọ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế
độ xã hội chủ nghĩa, kích động người dân (trong vụ cá chết ở miền Trung, vấn đề
biển Đông), v.v. Một số cá nhân đã “gợi ý” cho Tổng thống B. Obama lấy “nhân
quyền” làm điều kiện xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Thậm chí họ còn “vuốt mặt chẳng nể mũi”, chỉ trích, “kết tội” cả Tổng thống B.
Obama! Chẳng hạn, có người trả lời BBC rằng: “Một tập quán hết sức đáng lên
án đối với nhà cầm quyền (Việt Nam) là họ dùng các tù nhân chính trị như những
món hàng để trao đổi với Hoa Kỳ,… tôi đề nghị Hoa Kỳ đòi hỏi Việt Nam phải thả
hết những tù nhân lương tâm một cách vô điều kiện. Chứ không phải dùng họ làm
một món hàng để trao đổi như vậy”. Có kẻ thì nhắc lại quan điểm của một số
nghị sĩ Hoa Kỳ rằng: “Nếu Việt Nam không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền,
không cải thiện về nhân quyền thì không thể nói tới chuyện Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh
cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam”. Lại có kẻ từng được Nhà nước ta
khoan hồng (cho phép định cư ở Hoa Kỳ), nhưng “ngựa quen đường cũ” lập luận
rằng, việc “bỏ cấm vận hoàn toàn vũ khí sát thương của Tổng thống B. Obama đã
“làm hỏng tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam”(!). Cũng với lập luận như trên, bà
Loretta Sanchez - một dân biểu Hoa Kỳ, cho rằng: “Hoa Kỳ đã đặt tiền (hợp tác
kinh tế với Việt Nam) trên nhân quyền”!, v.v. Dù vậy, họ cũng không cản trở
được sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Xét từ nhân tố thời đại và chế độ xã
hội, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ nằm trong quá trình toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quá trình này diễn ra từ thập kỷ 70
của thế kỷ XX, do tác động bởi nhiều nguyên nhân; trong đó, chủ yếu nhất là sự
phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ và đặc biệt là in-tơ-nét. Sự thoái
trào của một bộ phận trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (từ năm 1989 - 1991) được
xem như dấu mốc kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh - thế giới chuyển sang thời kỳ
mới, với đặc điểm nổi bật là: “… các nước với chế độ xã hội và trình độ phát
triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì
lợi ích quốc gia, dân tộc”. Từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, nhân dân ta xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo mô hình
mới. Về chính trị, là
chế độ xã hội do “nhân dân
làm chủ” với việc “xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân”, các quyền con người, quyền lợi, nghĩa vụ công dân được tôn trọng và bảo
đảm bằng pháp luật. Về kinh
tế, “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Về quan hệ quốc tế, “thực hiện nhất quán đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng có khoảng thời
gian là cựu thù, mà trách nhiệm thuộc về Hoa Kỳ. Cho đến nay, mặc dù hai nước
vẫn còn những khác biệt về hệ tư tưởng, chế độ xã hội, thể chế quốc gia, nhưng
đã và đang cùng nhau nỗ lực giải quyết. Hiện nay, hai nước đang có những vấn đề
quan trọng (cả trong ngắn hạn và dài hạn) cần được ủng hộ lẫn nhau, như: quyền
tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của Hoa Kỳ; vấn đề chủ quyền biển đảo ở
Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và việc phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên
Thái Bình Dương (TPP) của cả hai nước, v.v. Việt Nam và Hoa kỳ đã và đang hợp
tác giải quyết các vấn đề, như: việc tẩy rửa chất độc đi-ô-xin, trợ giúp nạn
nhân chiến tranh, rà phá bom mìn trên lãnh thổ Việt Nam, phối hợp tìm kiếm hài
cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, v.v. Để duy trì, phát triển quan
hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả, thiết thực hơn, cần
có những hoạt động thường xuyên của lãnh đạo hai nước và chuyến thăm Việt Nam
của Tổng thống B. Obama vừa qua phần nào đáp ứng những yêu cầu đó.
Kết quả các cuộc hội đàm, tiếp kiến, trao đổi trong
chuyến thăm của Tổng thống B. Obama đã đưa ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa
Kỳ”; trong đó, đề cập nhiều nội dung lớn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Về quan hệ chính trị - ngoại giao,
“nhằm củng cố lòng tin giữa hai bên trong việc xây dựng tình hữu nghị và
hợp tác bền vững, lành mạnh và lâu dài giữa hai dân tộc”. Về kinh tế, hai nước “quyết
tâm tập trung thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học -
công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu, v.v”. Đặc
biệt, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai có hiệu quả các nội dung, đáp ứng
những tiêu chuẩn của Hiệp định TPP. Về
quốc phòng, hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng
giữa hai nước, “Việt Nam hoan nghênh quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn
toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam”. Phát biểu tại Cuộc hội
đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống B. Obama nói: “Việc xóa bỏ
hoàn toàn cấm vận vũ khí là sự “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ muốn khẳng
định sự bình thường hóa hoàn toàn với Việt Nam, bao gồm cả mối liên
hệ chặt chẽ về quốc phòng giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và đối với khu
vực này về lâu dài”; rằng: “Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này là thể
hiện mong muốn của Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam tiếp cận được với các
loại thiết bị và vũ khí mà Việt Nam đang cần để bảo vệ đất nước”. Trên lĩnh vực nhân quyền, hai
bên cam kết “tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền con người phù hợp với hiến
pháp và cam kết quốc tế của mỗi nước,… Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực của Việt
Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp nhằm bảo đảm
tốt hơn quyền và tự do cơ bản cho mọi người phù hợp với Hiến pháp năm 2013”. Những vấn đề khu vực và toàn cầu (trong đó, có biến đổi khí hậu), hai
bên tái khẳng định quan điểm: “Giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và trên biển
bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý,
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với Hiến chương Liên
hợp quốc, luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Các bên tranh chấp không có những hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng các
tranh chấp, thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về
ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy thương lượng thực chất và sớm ký
kết Bộ Quy tắc ứng xử (COC)”. Hai bên nhất trí tiến hành một số hoạt động
thực tế, “nhằm giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ Đối
tác Biến đổi khí hậu Việt Nam - Hoa Kỳ, kể cả khu vực đồng bằng sông Cửu
Long”.
Về nguyên tắc trong quan hệ Việt Nam -
Hoa Kỳ, cả hai nước luôn tuân thủ những nguyên tắc của mình, vì lợi ích
quốc gia dân tộc của mỗi bên. Không chỉ riêng với Hoa Kỳ, mà trong quan hệ với
tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam luôn đặt
lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, theo quan điểm: “Những ai tôn trọng độc lập chủ
quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi
với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống
phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối
tượng của chúng ta”; trong quan hệ hợp tác, các
bên tôn trọng chế độ chính trị, thể chế quốc gia của nhau. “Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ”
ngày 24-5-2016 tái khẳng định: “Hai bên cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp
quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước”. Giải
quyết bất đồng giữa các bên bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Hiến chương
Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế là
“sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, chỉ đạo mọi hoạt động trong quan hệ với tất cả các đối
tác của Việt Nam, không phân biệt chế độ xã hội và ý thức hệ, chứ không chỉ
riêng trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Có thể nói, việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với
Việt Nam của Hoa Kỳ phản ánh xu thế chung của thời đại. Không có chuyện hai bên
lợi dụng lẫn nhau như một “quân bài chiến lược”, một “đối trọng” để đối phó với
bất kỳ nước nào. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, việc
Hoa Kỳ xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là điều bình
thường, vì chính lợi ích của Hoa Kỳ và quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Sự đa dạng về mô hình xã hội, chế độ chính trị trong
“ngôi nhà chung” thế giới đã bao hàm sự khác biệt hoặc bất đồng nào đó mà các
bên đều có thể hóa giải. Để rút ngắn khoảng cách, tiến tới giải quyết nó, chỉ
có thể bằng “đối thoại” cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng giữa các
quốc gia, các bên chứ không thể có con đường nào khác. Lối tư duy lấy dân chủ,
nhân quyền làm điều kiện áp đặt cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ mà các “nhà dân
chủ, nhân quyền quốc nội” và hải ngoại “gợi ý” cho Tổng thống B. Obama đã quá
“cổ hủ”, không còn phù hợp với điều kiện và xu thế hiện nay.
THÀNH NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét