Trong xã hội hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ - thông tin cùng với các
ứng dụng kết nối cộng đồng phổ biến như Facebook, Twitter, Zalo… đã không ngừng
thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân với nhau. Không thể phủ nhận lợi ích to
lớn của phương tiện giao tiếp mạng mang lại nhưng nếu không biết cách sử dụng
chúng một cách có kiểm soát, có mục đích tích cực thì vô hình chung, giao tiếp ảo
gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho người sử dụng, đặc biệt là bộ phận giới trẻ
hiện nay.
Hệ lụy từ giao tiếp ảo
Cuộc sống hàng ngày luôn diễn ra với
muôn màu, muôn vẻ và giới trẻ là nhóm người thích ứng nhanh nhất với những trào
lưu mới của xã hội. Thật không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ ngồi tụ tập,
nói chuyện với nhau nhưng mỗi người lại cầm trên tay chiếc điện thoại thông
minh để lướt net, tán gẫu với người khác trên mạng. Hoặc thay vì việc tham gia
các hoạt động tình nguyện xã hội, một bộ phận giới trẻ hiện nay tìm cách giải
trí bằng việc ngồi một mình trong phòng, quán cafe để online và say mê với những
con người trên thế giới ảo… Điều đó là một hiện tượng phổ biến trong cuộc sống
hiện đại và chúng ta tôn trọng sở thích cá nhân, cá tính riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng, giao tiếp ảo gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình
phát triển và hoàn thiện nhân cách.
Khủng hoảng niềm tin vào chính bản
thân mình trong một bộ phận giới trẻ hiện nay là điều chúng ta dễ dàng nhận
ra khi tiếp xúc quá nhiều và đắm chìm vào thế giới ảo. Trên các trang mạng xã hội,
người sử dụng thường đăng tải những hình
ảnh về chuyến du lịch, tụ tập bạn bè, người thân ăn uống… và cũng thật không khó
để ta bắt gặp những hình ảnh về lối sống hưởng thụ, vương giả của các cậu ấm, cô
chiêu hay của những nghệ sĩ nổi tiếng… Đối lập với hiện tượng trên, xuất hiện
phổ biến trên các mạng xã hội là những dòng status tiêu cực, những hình ảnh phản
ánh mặt trái của cuộc sống, của xã hội… Tất cả những tác động từ lối sống hai
chiều như vậy làm cho một bộ phận giới trẻ cảm thấy mình bị thua thiệt hoặc rơi
vào suy nghĩ buông thả, oán trách số phận, bản thân. Nếu không làm chủ được cảm
xúc, cá nhân dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin vào xã hội, vào những
người xung quanh và chính bản thân mình.
Trong thời gian gần đây, khi dư luận xã
hội đang lên án, phê phán gay gắt hiện tượng vô cảm trong một bộ phận giới trẻ,
đã có nhiều lý giải từ các chuyên gia tâm lý, nhà quản lý giáo dục, văn hoá. Có
nhiều ý kiến cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là
do giới trẻ lạm dụng tràn lan mạng xã hội để giao tiếp. Thực tế cho thấy, khi
con người không trực tiếp giao lưu, trao đổi tâm tư, tình cảm với nhau thì khoảng
cách giữa các cá nhân ngày càng xa và các mối quan hệ thực tế ngày càng mờ nhạt.
Nếu như với những tiện ích làm tăng khả năng tìm kiếm, kết nối cộng đồng do mạng
xã hội mang lại, chúng ta sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả thì điều đó có ý
nghĩa vô cùng to lớn trong việc thiết lập và vận hành các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, chính vì những dòng status, những hình ảnh mang tính chất tiêu cực,
phản cảm lại thu hút một lượng lớn người quan tâm, theo dõi và làm cho cảm xúc tích
cực của mỗi cá nhân trở nên chai dạn. Dần dần, những thói quen đó ảnh hưởng và
quy định tính cách cá nhân. Họ rơi vào trạng thái bàng quan, thờ ơ với mọi
điều xung quanh. Hiện tượng tâm lý này rất nguy hiểm ở chỗ, khi cá nhân vô
cảm với thế giới bên ngoài, họ không thể chia sẻ nỗi đau, nỗi mất mát với đồng loại và tất yếu dẫn đến các vụ vi phạm
pháp luật với tính chất nguy hiểm, ghê rợn ngày càng gia tăng trong lứa tuổi vị
thành niên hiện nay.
Giao tiếp là một trong những con đường
cơ bản để hình thành, phát triển nhân cách con người. Thông qua giao tiếp, cá
nhân trao đổi thông tin, tình cảm lẫn nhau và từ đó, cá nhân có sự so sánh với đối
tượng giao tiếp. Nhờ đặc tính so sánh này, cá nhân ý thức được về mức độ đáp ứng
của bản thân đối với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội; đồng thời, có thể phán đoán
thái độ của những người xung quanh để điều chỉnh bản thân cho phù hợp. Khi mỗi
cá nhân sa đà với các mối quan hệ trên thế giới ảo, họ trở nên vụng về trong
quá trình giao tiếp thực tế. Trước thực trạng các mối giao tiếp ảo trở
thành một trào lưu và phổ biến trong bộ phận giới trẻ, quá trình trao đổi thông
tin, cảm xúc - tình cảm trực tiếp giữa các cá nhân với cá nhân bị hạn chế; do
vậy, sự hiểu biết, cảm thông và có những hành vi ứng xử phù hợp đối với nhau sẽ
gặp nhiều khó khăn, giới trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp thực tế, đặc biệt là dẫn
đến trạng thái thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.
Sử dụng mạng xã hội phù hợp,
hiệu quả
Cùng với việc phát minh ra máy tính, Internet,
việc hình thành và cung cấp các ứng dụng giao tiếp xã hội thông qua đường
truyền mạng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ của con
người, góp phần giảm thiểu đáng kể về thời gian, chi phí trong quá trình trao
đổi, giao lưu các mối quan hệ xã hội. Với việc sử dụng mạng xã hội, mỗi cá nhân
có tầm nhìn rộng lớn hơn về thế giới, cuộc sống, có sự thuận lợi trong việc thỏa
mãn nhu cầu giao tiếp. Tuy nhiên, trong một thế giới “phẳng” và xu hướng sống
“ảo”, chạy theo trào lưu một cách không chọn lọc của bộ phận giới trẻ hiện nay
thì những ý nghĩa tích cực của các phát minh trên đang bị giảm đi đáng kể. Thực
tế, mạng xã hội không phải là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy như đã trình bày. Điều cốt yếu chính là ở việc sử dụng mạng
xã hội một cách hữu ích, phù hợp, hiệu quả. Và tính tích cực, vai trò của mạng
xã hội được phát huy ra sao phụ thuộc vào chính bản thân người sử dụng nó.
Trước hết, mỗi người trẻ cần tích
cực tham gia vào các hoạt động thực tế như học tập, lao động, hoạt động xã
hội, các mối quan hệ gia đình, bạn bè gần gũi… thay vì ngồi thu mình say sưa và
“chăm chút” cho các mối quan hệ trên mạng. Với những mối quan hệ thực tế, giới
trẻ sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống thực tại, hiểu rõ hơn về những người xung
quanh, về chính bản thân mình để có sự thay đổi, thích nghi cho phù hợp. Đồng
thời, qua đó không ngừng giúp giới trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp, góp phần
phát triển và hoàn thiện nhân cách theo yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
Thay vì đọc, chia sẻ những hình ảnh
phản cảm, những dòng trạng thái tiêu cực, cộng đồng mạng cần hình thành văn hóa
sử dụng mạng xã hội. Điều này thật khó bởi không gian mạng là của chung và
mỗi cá nhân có quyền quyết định suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân. Mỗi người sử
dụng mạng xã hội hãy là một cá nhân có văn hóa trong việc tiếp nhận và phản
biện các thông tin đưa ra; qua đó, tạo ra hiệu ứng tốt trong việc sử dụng và
quản lý mạng xã hội, tránh hiện tượng a dua, bắt chước, chạy theo tâm lý đám
đông. Đối với việc hình thành thói quen tích cực này trong cộng đồng mạng xã
hội thì vai trò của gia đình, nhà trường, toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng và
tính chủ thể của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định.
Cần tự điều chỉnh thời gian sử dụng
mạng xã hội một cách hợp lý. Giới trẻ chỉ nên coi mạng xã hội là một công
cụ để giải trí, giao lưu bạn bè trong những khoảng thời gian nhất định. Tránh
việc sử dụng mạng xã hội một cách tràn lan, dẫn đến lạm dụng. Đối với giởi trẻ,
đây là lứa tuổi cần học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng với nhu cầu
ngày càng cao của xã hội hiện đại. Do vậy, tự mỗi cá nhân cần xây dựng cho mình
thói quen sử dụng mạng xã hội một cách tích cực, phù hợp và hiệu quả.
Đã có không ít những ý kiến lên án gay
gắt và yêu cầu “đóng cửa” mạng xã hội. Thực ra đó là một điều thật phi lý. Bởi
lẽ, cần nhận thấy rằng, mọi phát minh đều góp phần nâng cao chất lượng cuộc
sống cho chính bản thân con người. Mạng xã hội cũng là một phát minh lớn của
khoa học hiện đại. Điều quan trọng là cách thức con người sử dụng và ứng phó
với những mặt tiêu cực mà nó mang lại. Hơn nữa, lối sống chạy theo trào lưu xã
hội là nét tâm lý khách quan của tuổi trẻ. Do vậy, các tổ chức, cá nhân cần có
cái nhìn toàn diện, khách quan, tránh phê phán cực đoan, đổ lỗi và cốt yếu
nhất, cần giáo dục, hình thành văn hóa sử dụng mạng xã hội trong bộ phận giới trẻ
hiện nay.
Lê Anh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét