Cuộc sống
hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp giải trí và sự phổ cập
của Internet đã không ngừng làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của con người.
Trong một “thế giới phẳng” mà mọi hiệu ứng xã hội được lan truyền với tốc độ
nhanh chóng thì việc định hướng, điều chỉnh các hiện tượng tiêu cực đang xảy ra
có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý xã hội, đặc biệt là đối với những trào lưu
đang diễn ra trong thế hệ trẻ hiện nay trước làn sóng xâm nhập của văn hoá nước
ngoài. Một trong những hiện tượng cần quan tâm đối với các nhà làm công tác
giáo dục, văn hoá chính là trào lưu “lệch lạc thần tượng” trong một bộ phận
giới trẻ đang dần trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Theo Đại
từ điển Tiếng Việt (tái bản, sửa chữa và bổ sung năm 2008) do tác giả Nguyễn Như
Ý chủ biên (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh), thần tượng được
hiểu theo 3 nghĩa: Thứ nhất, thần tượng là hình ảnh hoặc người đã chết. Thứ
hai, thần tượng là hình ảnh của một đấng thiêng liêng được tôn sùng, đề cao.
Thứ ba, thần tượng là người hay vật được đề cao, tôn sùng. Tuy nhiên, thực tế
trào lưu chạy theo “thần tượng” diễn ra trong giới trẻ hiện nay đang khác xa so
với khái niệm trong từ điển. Và từ trào lưu tiêu cực đó dẫn đến sự lệch chuẩn về nhân cách trước những
yêu cầu, đòi hỏi của chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thông qua
tìm hiểu các diễn đàn, các loại hình báo chí, dư luận xã hội hiện nay không
khỏi bức xúc trước những phát ngôn gây “sock” của một bộ phận giới trẻ khi “đánh
rơi” những tình cảm thiêng liêng đối với gia đình, người thân chỉ vì sự mê
cuồng của mình đối với các ca sĩ, diễn viên nước ngoài… Tại sao một bộ phận
giới trẻ lại có sự hâm mộ nghệ sĩ nước ngoài đến “điên cuồng” như vậy? Phải chăng
trào lưu “lệch lạc thần tượng” là do lỗi của họ? Chúng ta cùng nhìn nhận trào lưu
này theo những khía cạnh khác nhau để có một cái nhìn toàn diện về lối sống của
bộ phận giới trẻ hiện nay trước sự tác động mạnh mẽ của những luồng văn hoá
ngoại lai.
Trước hết,
cần đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của trào lưu “lệch lạc thần tượng” dưới góc độ
của khoa học tâm lý. Trong quy luật đời sống tâm lý của con người, tình cảm của
cá nhân đối với các sự vật, hiện tượng được hình thành từ những cảm xúc cùng
loại. Nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, trong chiến tranh gian khổ, các
nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng của chúng ta đã cho ra đời những tác phẩm đi cùng
năm tháng. Những giai điệu mạnh mẽ, ca từ trong sáng, giàu sức biểu cảm đã tạo
ra ở người nghe những cảm xúc tự hào, phấn khởi và dần dần hình thành trong họ
một tình cảm tích cực, thôi thúc họ hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung
của cả dân tộc. Ngược lại, với dòng nhạc thị trường như hiện nay, nhiều ca khúc
với ca từ sáo rỗng, vô nghĩa nhưng được “đánh bóng” bởi những giọng hát mà
thành công của nó phụ thuộc phần lớn vào kỹ thuật âm thanh điện tử và công nghệ
lăng - xê. Điều đó làm cho một bộ phận người nghe có trình độ quay lưng với các
ca khúc Việt Nam, đi tìm cái mới và họ dễ dàng nảy sinh tình cảm với những cái phù
hợp với thị hiếu của họ là một điều tất yếu.
Một đặc điểm
tâm lý lứa tuổi cần phải quan tâm khi nhìn nhận về trào lưu “lệch lạc thần tượng”
hiện nay chính là nhu cầu tự khẳng định, cơ chế tâm lý bắt chước, chạy theo đám
đông của giới trẻ. Giới trẻ luôn có xu hướng chạy theo cái mới (kiểu tóc, trang
phục…) của thần tượng để thu hút cái nhìn từ những người xung quanh với mong
muốn tự khẳng định cái tôi. Hơn nữa, cơ chế bắt chước, a dua trong một nhóm,
một bộ phận diễn ra một cách khách quan, nhanh chóng nếu không có sự định hướng
thì dễ trở thành trào lưu trong cộng đồng, xã hội. Đây là những đặc trưng tâm
lý mang tính khách quan trong sự phát triển cá thể. Sống có thần tượng là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của thanh
niên. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải lưu tâm để tránh cái nhìn phiến
diện, tiêu cực khi cố tình lý giải hiện tượng lệch lạc trên là do lỗi của giới
trẻ. Vậy dưới góc độ xã hội học, hiện tượng trên được tiếp cận theo những khía
cạnh như thế nào?
Nhìn vào
thực tiễn ngành công nghiệp giải trí để thấy được những “góc tối” của tác động
tiêu cực từ chính lối sống, cách tạo dựng hình ảnh của một số nghệ sĩ nước nhà,
cũng như “mặt trái” các game show giải trí hiện nay. Khi sự thành công không
thể đạt được bằng chính khả năng và sức cống hiến của bản thân, với một số nghệ
sĩ, muốn được nổi tiếng, họ tìm mọi cách tạo scandal để được báo chí nhắc tới
nhiều nhất. Có thể là những hành động vô duyên trên sân khấu, có thể là những trang
phục lố lăng, lối sống “vương giả”, hưởng thụ, lãng phí… Tất cả được tạo ra một
cách vô tình hay cố ý để gây ra sự chú ý của khán giả. Nhưng điều đó lại gây
phản ứng ngược, tạo ra sự phản cảm, họ ngày càng mất niềm tin đối với người thưởng
thức. Chúng ta thử hình dung, nếu như giới trẻ Việt Nam thần tượng đến mức chạy
theo, mặc theo những mẫu trang phục sexy như Thu Minh; hay sống thực dụng như
phát ngôn của người đẹp “chân dài, óc ngắn” Ngọc Trinh; lối sống sa đoạ của
Vàng Anh đã từng “vang bóng một thời”… thì sẽ ra sao? Liệu lúc đó chúng ta sẽ
suy nghì gì về “diện mạo” mới của một lớp thế hệ thanh niên - người làm chủ tương
lai nước nhà?
Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn tin tức
giới trẻ thu nhận được chủ yếu thông qua các trang báo mạng, các diễn đàn xã
hội… Nhưng với lối câu khách như hiện nay của một số trang báo mạng thì thật đáng
lên án và cần được quản lý chặt chẽ. Dạo qua các tiêu đề gây “sock”, thật hiếm
thông tin, hình ảnh về những sinh viên nghèo vượt khó, những chiến sĩ đang canh
gác ngày đêm vì sự bình yên của Tổ quốc… mà chủ yếu là những dòng “tít” giật
gân, gây chú ý về các vụ hiếp dâm, giết người, về lối sống hưởng thụ, giàu có
của các nghệ sĩ… Chính điều đó đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối
sống của thế hệ trẻ. Họ cảm thấy tương lai thật bi quan, mất phương hướng, thậm
chí mất niềm tin vào chính bản thân mình. Thật không khỏi bàng hoàng trước suy
nghĩ của một cô bé học sinh cấp 3 khi cho rằng : Một số ngôi sao nổi tiếng có bằng
cấp gì đâu mà vẫn có cuộc sống giàu sang, vẫn được nhiều người ngưỡng mộ… Với tư
duy như vậy, liệu cô nữ sinh đó có còn sức mạnh để vượt qua những khó khăn trên
con đường học vấn, trước những khó khăn trong cuộc sống tương lai hay không?
Khi trào lưu
“lệch lạc thần tượng” gây nên sự ồn ào trong dư luận xã hội, nhiều ý kiến đã được
đưa ra để lý giải cho tình trạng xuống cấp trong lối sống nói chung, về sự phát
“cuồng” của một bộ phận giới trẻ nói riêng. Có nhận xét cho rằng: Sự phát triển
về mặt kinh tế, đời sống vật chất được đáp ứng đầy đủ nên giới trẻ “nổi loạn”, đua
đòi làm nảy sinh những hiện tượng tinh thần phi văn hoá như vậy. Hãy khoan
không bàn đến sự đúng, sai trong nhận xét trên, nhưng nếu một lần được nhìn
thấy hình ảnh của một cậu bé 9 tuổi kiên nhẫn đứng xếp hàng để đợi đến lượt
mình nhận phần lương thực trợ giúp trong cơn thảm họa kép tại Nhật Bản năm 2011
vừa qua thì chúng ta không khỏi khâm phục và xúc động trước hành động cao đẹp đó
của một đứa bé ở đất nước có nền kinh tế phát triển hơn chúng ta nhiều lần. Hình
ảnh đó gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà quản lý xã hội, các
nhà làm công tác giáo dục, văn hoá ở nước ta hiện nay đó chính là vấn đề định hướng giá trị nhân cách cho giới
trẻ trong tình hình mới.
Định hướng
giá trị là quá trình giáo dục có mục đích nhằm hình thành ở cá nhân những phẩm
chất nhân cách phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, của thời đại. Định hướng
giá trị sẽ giúp người trẻ có đủ trình độ nhận thức, bản lĩnh để lựa chọn và hành
động vươn tới những hình mẫu lý tưởng cao đẹp, trong sáng. Cũng thông qua quá
trình định hướng giá trị nhân cách giúp người trẻ có khả năng thích ứng, hội
nhập với xu thế của thời đại nhưng không đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, biết
vươn lên tiếp thu văn hoá nước ngoài nhưng không đánh mất đi chính mình. Điều đó
cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nghĩa vụ và trách
nhiệm của thế hệ đi trước là xác lập mô hình nhân cách, giáo dục, rèn luyện để hình
thành, phát triển nhân cách thế hệ trẻ theo yêu cầu của xã hội hiện tại và tương
lai. Vẫn biết con người luôn chịu sự tác động của điều kiện xã hội - lịch sử,
nhưng thật tự hào vì trong những năm, tháng khó khăn của dân tộc, chúng ta vẫn hình
thành ở thanh niên lúc bấy giờ một niềm tin mãnh liệt, tạo ra sức mạnh to lớn để
thực hiện lý tưởng cao cả bằng những thần tượng trong sáng, đời thường qua hình
ảnh về tấm gương hy sinh của Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm...
Lệch lạc thần tượng chính là một biểu
hiện trong sự lệch lạc nhân cách con người. Và điều đó vô cùng nguy hiểm
khi nó trở thành một trào lưu tiêu cực trong xã hội. Khắc phục hiện tượng “lệch
lạc thần tượng” trong giới trẻ hiện nay cần có sự định hướng, tổ chức và điều
hành của các nhà làm công tác quản lý xã hội, đặc biệt là của các nhà làm văn
hoá, làm giáo dục và xin đừng đổ hết lỗi
cho giới trẻ.
Lê Anh
Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét