Thanh niên dù ở thời kỳ nào cũng là lực lượng tràn đầy
nhiệt huyết, nhạy cảm, dễ thích nghi và luôn có xu hướng chạy theo những trào lưu
mới. Tuy nhiên, không thể vì thế mà ta nghi ngờ họ có tư tưởng buông xuôi, thờ ơ
với các vấn đề chính trị - xã hội hoặc quay lưng với truyền thống, với lịch sử.
Trong những ngày đau thương vừa qua, khi dân tộc mất đi một vị anh hùng vĩ đại
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta không khỏi nghẹn ngào trước tình cảm của cả
dân tộc ta đối với Đại tướng và đặc biệt là tình cảm của giới trẻ - những thế hệ
sinh ra và lớn lên trong hoà bình, trong điều kiện vật chất, tinh thần đầy đủ, đa
dạng. Điều đó là minh chứng rõ nhất cho sự thuyết phục, cảm hoá con người của một
nhân cách vĩ đại, một hình mẫu lý tưởng. Và để những hình mẫu lý tưởng như vậy được
phổ biến và nhân rộng, trở thành động lực mạnh mẽ thúc giục thế hệ trẻ vươn lên
tâm cao mới đòi hỏi cần phải hình thành lý tưởng sống cao đẹp cho thanh niên
trong một xã hội chịu nhiều tác động phức tạp, đa chiều như hiện nay.
Nói đến lý tưởng là nói đến sức cảm hoá của một hình
mẫu nhất định có sức hấp dẫn, cảm hoá, khiến chủ thể giác ngộ và làm theo một cách
tự giác. Lý tưởng là những hình ảnh cao đẹp, những giá trị chuẩn mực có tác
dụng lôi cuốn, kích thích toàn bộ hoạt động của con người vào việc hiện thực hoá
những mục tiêu, hình mẫu chuẩn mực đó trong một thời gian xác định. Lý tưởng không
phải là một điều gì đó thần bí, cao siêu mà không thể đạt tới. Khi xác định được
hình mẫu lý tưởng sẽ tạo nên động lực từ bên trong định hướng, thúc đẩy con
người không ngừng vươn tới những hành động và nghĩa cử cao đẹp. Điều này thể hiện
tính hai mặt của lý tưởng. Một mặt, lý tưởng mang tính chất lãng mạn, là sự ảnh
hưởng của những hình tượng cao đẹp vào trí óc con người như nhân cách vĩ đại của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một mô hình xã hội tốt đẹp…
Nhưng, mặt khác, để lý tưởng không trở thành “ảo tưởng”, lý tưởng phải gắn liền
với hiện thực và được cụ thể hóa bằng từng hành động trong cuộc sống hàng ngày.
Đồng thời, ta thấy lý tưởng có tính chất tương ứng, lý tưởng cao đẹp không thể
tách rời những nghĩa cử, hành động chính nghĩa, cao thượng. Vì vậy, đòi hỏi mỗi
cá nhân phải dám dấn thân, cống hiến và khẳng định chính mình nhằm từng bước đạt
được mục đích đã định. Bên cạnh đó, quá trình vươn tới hình mẫu lý tưởng, con
người phải phấn đấu, tôi luyện trong một thời gian dài, do đó, mỗi cá nhân cần
đặt ra cho chính mình những mục đích cụ thể và học cách hài lòng với những
thành quả đạt được trong từng giai đoạn nhất định. Để đạt được điều đó, đòi hỏi
sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân không ngừng nghỉ, sự kiên trì, vì khi mục tiêu
dần định hình đồng nghĩa với khó khăn ngày càng tăng lên. Lý tưởng ở đây như những
bậc thang đi lên của sự phát triển, hoàn thiện một mẫu hình mà bản thân cá nhân
chưa đạt được trong hiện tại, cần phải chiếm lĩnh hình mẫu lý tưởng đó trong một
thời gian dài. Do vậy, lên cao, đuối sức không thực hiện đến cùng sẽ là lý
tưởng nửa vời; hoặc nếu không kiên định con đường đã chọn, rẽ sang hướng khác,
sẽ làm chệch hướng lý tưởng.
Lý tưởng là mục tiêu cao đẹp và để đạt được cái đích
đó thì có nhiều cách thức, con đường khác nhau. Không thể lẫn lộn giữa mục tiêu
đã xác định và cách thức hành động. Điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân thể hiện nét
văn hóa ứng xử đặc trưng trong quá trình thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Để
xác định con người hiện tại và mẫu hình lý tưởng cần vươn tới đòi hỏi sự
phấn đấu không ngừng nghỉ để dần xóa đi khoảng cách. Nhưng không phải vì thế mà
cá nhân chỉ tập trung vào những việc lớn lao mà quên đi những hành động nhỏ
nhoi đời thường. Một nghĩa cử cao đẹp là một hành vi ứng xử có văn hóa, xuất
phát từ những việc làm giản dị. Đó là tấm lòng hướng về đồng bào gặp khó khăn
bằng những việc làm cụ thể; là giao tiếp lịch sự, biết lắng nghe và chia sẻ với
mọi người, là học tập và cống hiến để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu… Điều này
đòi hỏi cá nhân phải có sự đấu tranh động cơ và trung thực với chính bản thân mình. Như vậy, sự quyết tâm của bản thân
là yếu tố quyết định, có tính chất cộng hưởng cùng với môi trường xã hội thuận
lợi tác động đến quá trình phấn đấu
cho lý tưởng và điều
chỉnh hành vi của con người.
Lý Tự Trọng - người thanh niên yêu nước tiêu biểu của
dân tộc Việt Nam đã từng khẳng định: “…Con đường của thanh niên chỉ là con
đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Cách mạng là quá trình lâu dài,
khó khăn và gắn liền với số đông, không thể chỉ là một vài cá nhân thực hiện.
Một mặt, chúng ta xây dựng nên những hình mẫu chuẩn mực, đầy sức thuyết phục, cảm
hoá. Mặt khác, cần kiên quyết đấu tranh chống lại sự phá hoại của không ít
những phần tử phản động chống phá sự nghiệp cách mạng. Nếu như thế hệ cha, anh đã
hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
thì thế hệ trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội để học tập, tiếp thu và vươn tới những
hình mẫu lý tưởng cao đẹp, phù hợp với tình hình mới. Và trong bất cứ giai đoạn
nào của lịch sử dân tộc, chúng ta đều có những cá nhân, tập thể có những đóng góp
lớn lao cho xã hội, đất nước. Hiện nay, thật không khó để nhìn thấy những chiếc
áo xanh tình nguyện tham gia vào mọi lĩnh vực khi xã hội cần. Cũng không hiếm
những cá nhân bằng tài năng, trí tuệ của mình đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Và
càng tự hào biết bao về những tấm gương dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích
của người khác, của tập thể… Tuy nhiên, sức ảnh hưởng, cảm hoá của những hình mẫu
lý tưởng ấy vẫn còn chưa tương xứng với sự mong đợi của cả xã hội khi ta vẫn thấy
còn nhiều hiện tượng tiêu cực trong giới trẻ như: trào lưu “lệch lạc thần tượng”
khi tiếp thu văn hoá ngoại lai, biểu hiện vô cảm, tình trạng vi phạm pháp luật
trong giới trẻ diễn ra phổ biến với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm và phức
tạp… Điều đó đòi hỏi các tổ chức Đoàn - với tư cách là tổ chức chính trị - xã
hội của thanh niên cần hình thành lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ phù hợp
với tính chất, đặc điểm của tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện
nay.
Nhận thức đúng
đắn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của con người. Do vậy, để hình thành
lý tưởng sống cho thanh niên, các tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác
giáo dục nâng cao trình độ nhận thức về mọi vấn đề chính trị - xã hội đang diễn
ra nhằm định hướng tư tưởng, hành động cho đoàn viên, thanh niên và là cầu nối
đưa họ đến với tri thức và lý tưởng cao đẹp. Đồng thời, không ngừng đổi mới hình
thức sinh hoạt Đoàn nhằm tập hợp đông đảo thanh niên hướng tới thực hiện những
nhiệm vụ chung của xã hội, của dân tộc. Hiện nay, đa số các buổi sinh hoạt Đoàn
còn nặng về hình thức, chưa có sức hấp dẫn, lôi kéo thanh niên tham gia một cách
tự giác, tích cực và chủ yếu vẫn là các thành viên trong một tổ chức chính trị
- xã hội nhất định. Với đặc điểm lứa tuổi thanh niên là luôn muốn được sống
theo thần tượng của mình, do vậy, tổ chức Đoàn cần biết động viên, lôi kéo các
cá nhân là nghệ sĩ, du học sinh nước ngoài… - những thanh niên có trí thức, tài
năng và đạo đức tham gia sinh hoạt Đoàn để giao lưu, thu hút, cổ vũ thanh viên
vươn lên trong cuộc sống. Sức cảm hoá, lôi kéo thanh niên bằng chính lời nói và
việc làm cụ thể của thần tượng sẽ có tác động to lớn đến nhận thức và hành động
của giới trẻ. Cần lồng ghép việc tuyên truyền, định hướng giá trị gắn với những
hoạt động mới mẻ, sôi động gắn liền với nhu cầu, sở thích của giới trẻ. Hình thức
tác động đó cùng với nội dung sinh hoạt phù hợp với tâm lý lứa tuổi sẽ có tác dụng
tập hợp đông đảo thanh niên tham gia, cùng với đó, nội dung giáo dục sẽ đi vào
nhận thức của họ một cách nhẹ nhàng và để lại ấn tượng sâu sắc.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho thanh niên được
nói lên chính kiến, những trăn trở của mình… để mỗi chúng ta cùng nhìn nhận và tìm
cách giải quyết những khó khăn còn vướng mắc. Đó là phản biện xã hội chứ không phải
là phản động chính trị. Tôn trọng tinh thần phản biện các vấn đề xã hội là thực
hiện một bước yêu cầu của sự phát triển xã hội, phát huy vai trò tích cực của
thanh niên trong quá trình xây dựng một xã hội tiên tiến. Chúng ta không chính trị hóa lý tưởng thanh niên.
Song, lý tưởng thanh niên trong thời đại mới phải gắn liền với lý tưởng cộng
sản, hướng đến sự nhân đạo, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện rõ bản chất
tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu
xây dựng.
Thực tế cho thấy, chúng ta không thể áp đặt, so sánh
điều kiện xã hội - lịch sử của mấy chục năm về trước để áp đặt cho lối sống của
thanh niên ngày hôm nay. Thế hệ thanh niên hôm nay tiếp bước cha, anh, thực hiện cách mạng
theo con đường và nội dung khác, phù hợp với thực tiễn xã hội. Đó là cuộc cách
mạng tấn công vào khoa học kỹ thuật, đấu tranh với đói nghèo, lạc hậu và bất bình
đẳng xã hội. Điều đó cũng thể hiện mối quan hệ giữa lý tưởng thanh niên phù hợp
với hơi thở của cuộc sống hiện tại. Thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta hãy
gạt bỏ cái tôi ích kỷ, cá nhân để hòa mình vào dòng chảy của lịch sử, tiếp nối
truyền thống cha, anh, cùng nhau hướng tới và thực hiện những lý tưởng cao đẹp.
Vẫn biết là khó khăn, phức tạp nhưng đúng như nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: “Ở
trên đời làm gì có sẵn đường, người ta đi mãi mà thành đường đó thôi. Lý tưởng
là một con đường đầy thử thách nhưng cũng lắm vinh quang. Và vinh quang sẽ đến
với ai dám dấn thân, đi đến cùng mục tiêu, lý tưởng của mình để hoàn thiện nhân
cách, sống có ích cho xã hội, trọn tình, trọn nghĩa trong cuộc sống”.
Lê Anh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét