Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ DÂN TỘC

Trong bề dày văn hoá của dân tộc Việt Nam, bên cạnh những vị lãnh tụ, những danh tướng có công lớn trong quá trình chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước, chúng ta không khỏi tự hào trước những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà giáo trong việc khai sáng tâm trí, bồi dưỡng nhân tâm, phát triển nền giáo dục nước nhà. Có thể khẳng định, không một dân tộc nào mà ở đó, hình ảnh của người Thầy lại có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân như ở dân tộc Việt Nam ta. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, người Thầy luôn giữ một vị trí quan trọng và đồng thời, hình mẫu ấy luôn có xu hướng biến đổi cùng với sự tiến bộ của thể chế chính trị - xã hội mà cả dân tộc ta không ngừng đấu tranh và dựng xây.
Với truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”, trong bất cứ chính thể nào, người Thầy luôn luôn tiêu biểu cho tầng lớp trí thức, tiên tiến được cả cộng đồng xã hội công nhận và tôn kính. Tuy nhiên, ứng với mỗi bước đi của sự phát triển xã hội, vai trò, nhiệm vụ của người Thầy ngày càng được nâng lên một tầm cao mới. Nhìn lại hệ thống giáo dục thời Phong kiến, với mục đích đào tạo tầng lớp nho sĩ trí thức, quan lại trung thành với các triều đại, phục vụ ý chí của giai cấp thống trị lúc bấy giờ, một mặt, làm cho hình ảnh người Thầy trong xã hội được đề cao: “quân, sư, phụ” nhưng mặt khác làm cho mối quan hệ Thầy - trò mang tính chất phép tắc, phục tùng ngặt nghèo. Trường học nói chung và Thầy đồ nói riêng không có nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp mà chủ yếu truyền lại cho các thế hệ sau những tri thức và đạo lý làm người của cha, ông. Vốn học thức ấy không được mở rộng, phát triển mà dập khuôn từ đời này qua đời khác, chỉ cần nắm được những đạo lý đó sẽ trở thành công cụ duy nhất để xây dựng sự nghiệp của mình và tiến thân trong xã hội. Với mục đích lớn nhất là học để làm quan và thi hành chế độ khoa cử bảo thủ, việc truyền lại vốn tri thức cho các môn sinh được Thầy đồ tiến hành theo phương thức cổ điển: thầy giảng, trò ghi nhận cộng với học thuộc sách kinh điển; Thầy đóng vai trò chủ động, trò đóng vai trò thụ động (thụ giáo), lấy trí nhớ làm gốc mà không cần và không thể phát huy cái bản ngã cá nhân. Chính mục đích giáo dục, phương thức tiến hành như vậy mà vai trò của Thầy đồ có ý nghĩa quyết định đến sự thành đạt của các môn sinh. Nhân cách của những Thầy đồ có tâm, có tài sẽ tác động ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp và được cả xã hội nể trọng, tôn vinh.
Chiêm nghiệm lại những điều đã xảy ra trong tiến trình vận động của xã hội, chúng ta nhận ra một điều mà dường như đã trở thành chân lý: những nhà giáo chân chính, tâm huyết bao giờ cũng là nhà yêu nước, là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất. Hoạt động dạy học thường gắn liền với hoạt động cách mạng. Trong số những nhà giáo yêu nước, tiêu biểu là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, sau này trở thành vị lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một thiên tài quân sự mà nếu không có chiến tranh, Ông đã tận tuỵ với vai trò của một thầy giáo dạy Sử… Điều đặc biệt có ý nghĩa hơn nữa là 4 đồng chí thay mặt cho các tổ chức Đảng Cộng sản dự Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03-02-1930 tại Hương Cảng - Trung Quốc cũng đều là thầy giáo. Chính vì vậy, đồng chí Lê Duẩn đã có nhận xét: “Trong thời kì nước ta bị đô hộ, những người tri thức tâm huyết thường đi dạy học...”. Quần chúng rất quý trọng giáo giới, coi họ là những tinh hoa của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng cách mạng thông qua tầng lớp tri thức dân tộc đó mà đi vào quảng đại quần chúng nhân dân.
Lật lại trang sử đau thương của dân tộc, dưới ách thống trị, đô hộ của thực dân Pháp trong suốt tám mươi năm, với chính sách ngu dân để dễ bề cai trị đã làm cho hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ. Chính vì vậy, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi chống nạn thất học. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ.” Phong trào diệt giặc dốt, bình dân học vụ được phát triển rầm rộ và rộng khắp. Trong “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ” (tháng 5 - 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu: “Anh, chị, em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc. Anh, chị, em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh, chị, em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh, chị, em”. Với sứ mệnh của mình, anh, chị em giáo giới không ngừng cùng với mọi tầng lớp nhân dân nhanh chóng xoá nạn mù chữ, nâng cao trình độ dân trí để thực hiện mục tiêu chung của toàn dân tộc. Trong thư gửi hội nghị giáo dục toàn quốc (tháng 7 - 1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những ý kiến sâu sắc nhằm đổi mới chương trình cũng như cách dạy để đào tạo ra đội ngũ nhân tài phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Dưới ánh sáng của Đảng, sự giác ngộ cách mạng, thế hệ các nhà giáo đã cùng với cả dân tộc đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp chung, những nhà giáo ưu tú đã trở thành những chiến sĩ cách mạng. Đội ngũ nhà giáo đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường cho lớp lớp học sinh, sinh viên “Xếp bút nghiên lên đường đánh giặc”. Cùng với sự cố gắng của toàn dân tộc, các Thầy, Cô giáo đã đóng góp công sức to lớn cho sự nghiệp đấu tranh, thống nhất đất nước. Các Nhà giáo cách mạng là những tấm gương sáng một lòng vì Đảng, vì dân, trước khó khăn không chùn bước, trước kẻ thù thì hiên ngang, bất khuất. Hình ảnh những người giáo viên nhân dân với vũ khí là tri thức, chiến trường là “bục giảng dưới hầm sâu” đã in sâu vào các tác phẩm nghệ thuật, vào lịch sử, tạo nên những chiến công huyền thoại trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao và mở rộng nhằm đáp ứng cho một nền giáo dục đổi mới toàn diện. Sản phẩm của sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay là những con người có phẩm chất, có trình độ, óc sáng tạo, biết dự kiến và có năng lực tổ chức, thực hiện hiệu quả những tình huống mà thực tiễn đặt ra. Vì vậy, trong quá trình giáo dục - đào tạo, đòi hỏi phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, phải rèn luyện cho họ phương pháp tự nghiên cứu, phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp tự học suốt đời. Mục tiêu, yêu cầu đào tạo thay đổi đòi hỏi phương pháp dạy học cũng có sự đổi mới cho phù hợp, từ chỗ lấy người dạy là trung tâm nay chuyển sang lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy - học. Phương pháp này đòi hỏi người Thầy không chỉ có kiến thức trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về lĩnh vực mình đảm trách mà còn phải có phương pháp tổ chức quá trình học và tự học cho người học. Qua phương pháp này, người học không chỉ tiếp thu tri thức mà còn học được cách phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, phương pháp khám phá chân lý… và đó chính là cơ sở để trau dồi, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình hoạt động thực tiễn sau này. Như chúng ta đã biết, kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng của người học phụ thuộc rất nhiều vào trình độ lý luận và năng lực thực tiễn; phẩm chất đạo đức; phương pháp truyền đạt của người Thầy đối với người học. Vị trí, vai trò của người Thầy trên con đường lĩnh hội tri thức của người học là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta tuyệt đối hoá vai trò của người Thầy sẽ dẫn đến phiến diện, chủ quan. Bởi trên thực tế, trình độ, kiến thức của người học có được không chỉ thông qua một con đường duy nhất - “người Thầy” mà nó được hình thành từ nhiều con đường khác nhau như: học ở sách vở, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thực tiễn công tác… điều đó đòi hỏi người Thầy phải phấn đấu, rèn luyện để bước lên một tầm cao mới, tiến kịp với xu hướng phát triển của thời đại. Và đây chính là yêu cầu, đòi hỏi của một nền giáo dục trong thế kỷ bùng nổ tri thức và trong một “thế giới phẳng” như hiện nay.
Nhìn lại hình ảnh của người Thầy trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, chúng ta càng thêm tự hào và không ngừng phấn đấu để xây dựng nền giáo dục Việt Nam theo đúng định hướng của Đảng, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Dù xã hội có nhiều biến động, dù ở đâu đó vẫn có một số ít cá nhân làm vấy bẩn lên danh dự của người Thầy, nhưng Nhà giáo vẫn là những người được tôn vinh, kính trọng, nghề giáo vẫn là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý. Ôn lại truyền thống, khắc ghi công lao của lớp lớp các thế hệ nhà giáo, chúng ta càng thêm trân trọng, biết ơn các Thầy, Cô giáo. Đội ngũ nhà giáo chính là những chiến sĩ cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, và đúng như lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời: “Người thầy giáo tốt xứng đáng là người vẻ vang nhất... Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.”

                                                                        Lê Anh Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét