Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

KÝ LUẬT NGHIÊM MINH ĐỂ ĐẢNG THÊM VỮNG MẠNH

          Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội, một số cá nhân lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức Đảng, thậm chí là những sai lầm, khuyết điểm của cá nhân đảng viên để chống phá, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN)...

            Thực tế cho thấy, các bài viết với mục đích chống phá Đảng CSVN không chỉ rất phiến diện, mà còn “chủ ý” góp nhặt những hiện tượng đơn lẻ để cố tình cho đó là những yếu kém thuộc về bản chất của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
            Lịch sử hơn 86 năm kể từ ngày Đảng CSVN được thành lập đã minh chứng: Đảng CSVN luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Từng cán bộ, đảng viên và toàn Đảng đều coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt, từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng. Cụ thể là: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI”; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2-khóa VIII) “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ 3 vấn đề cấp bách, đồng thời xác định 4 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Một trong những vấn đề cốt lõi của công tác xây dựng Đảng chính là công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Bởi vậy, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chính là Đảng đã đột phá vào công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, một vấn đề, nhiệm vụ được Đảng CSVN xác định là “khâu then chốt của then chốt”, “nguyên nhân của nguyên nhân”. Ban hành và quyết tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) không chỉ nâng cao chất lượng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, mà còn thể hiện bản lĩnh của một đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội, thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
            Từ chủ trương đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XI và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng CSVN đã đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ từ Trung ương đến cơ sở. Đảng CSVN luôn trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến của mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng, sự phát triển của đất nước; nhưng cũng kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi đội ngũ của mình những người vi phạm phẩm chất, đạo đức lối sống, vụ lợi, yếu kém về năng lực, cửa quyền, tham ô, tham nhũng... Trong 5 năm (chủ yếu là 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức Đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật. Những hạn chế, khuyết điểm được kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở từng cấp đã kịp thời được giải quyết; một số vụ việc nổi cộm, bức xúc được xử lý dứt điểm. Kết quả trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu trên được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ; góp phần củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng và sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên.
            Đặc biệt, trước thời điểm diễn ra Đại hội XII, thời điểm mà không ít người cho rằng rất “nhạy cảm”, Đảng CSVN đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp xem xét, đưa ra xét xử 8 vụ án, vụ việc trọng điểm. Tiếp đó, ngay sau Đại hội XII, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng CSVN triển khai với nhiều biện pháp quyết liệt. Nhiều vụ án, vụ việc phức tạp, kéo dài tiếp tục được đưa ra xét xử công khai, đúng người, đúng tội. Chỉ xin đơn cử như vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Ngay sau khi nắm được thông tin phản ánh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo đúng Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật. Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư nói lên quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng CSVN là kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong sử dụng tài sản, tiền của Nhà nước và nhân dân. Những vụ án, vụ việc, những vấn đề phức tạp được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, là chuyển động của cả hệ thống nhằm làm trong sạch bộ máy, kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi đội ngũ của mình. Những việc làm kiên quyết và triệt để nói trên của Đảng được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.
            Từ những dẫn chứng nêu trên, khẳng định: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được Đảng CSVN xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp cơ bản và quan trọng. Vì vậy, trước những diễn biến chính trị hết sức phức tạp ở nhiều nước, cùng sự chống phá quyết liệt, tinh vi của các thế lực thù địch, Đảng CSVN vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới, lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước nên hằng ngày, hằng giờ, đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn lăn lộn với cuộc sống, trăn trở với những khó khăn của đất nước, của nhân dân. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cán bộ, đảng viên ở cấp nào cũng thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu. Khó có thể liệt kê hết những hình ảnh cán bộ, đảng viên dầm mình trong mưa lũ cứu giúp nhân dân; những cô giáo, thầy giáo gác lại chuyện riêng tư để vượt dốc, bám bản dạy chữ cho con em đồng bào vùng sâu, vùng xa; những tấm áo, viên thuốc được mua từ những đồng tiền lương tiết kiệm dành tặng người nghèo... Đó là những điều không thể phủ nhận được.
            Tuy nhiên, nghiêm khắc nhìn nhận, trong quá trình lãnh đạo, Đảng CSVN cũng còn bộc lộ những hạn chế, thậm chí có mặt nghiêm trọng, có khuyết điểm, yếu kém phải sửa chữa cấp bách nhưng chưa khắc phục được như mong muốn, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có những chủ trương, giải pháp hiệu quả, xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ không chỉ là ý muốn chủ quan của mỗi cán bộ, đảng viên, quyết tâm chính trị của toàn Đảng, mà đó còn là điều mong mỏi và sự kỳ vọng của nhân dân.
            Trong tiến hành công tác xây dựng Đảng, Đảng CSVN luôn tỏ rõ quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, phẩm chất, lối sống và không có trường hợp ngoại lệ. Không chỉ xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm khi còn đương chức, mà bất kỳ ai, ở cương vị nào nếu vi phạm cũng đều phải chịu những hình thức kỷ luật thích đáng, kể cả khi đã nghỉ hưu, nghỉ chế độ, thuyên chuyển công tác hay giữ các chức vụ cao hơn. Kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, loại ra khỏi đội ngũ của mình những người không đủ phẩm chất, năng lực không chỉ ở cấp cơ sở, mà cả các cơ quan Trung ương, ngay cả đối với những cán bộ giữ vị trí và trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị.
            Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng và xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó, 3 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến thực hiện 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra, bao gồm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
            Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ bằng nhiều giải pháp; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Bởi vậy, cùng với việc phát huy tốt những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, mỗi tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên không những chấp hành tuyệt đối nghị quyết của Đảng mà còn thẳng thắn, đấu tranh, chủ động phát hiện để loại bỏ khỏi đội ngũ của mình những người không đủ phẩm chất, năng lực. Giữ vững kỷ luật, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm chính là góp phần rất quan trọng để Đảng CSVN ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vị trí cầm quyền lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Loại bỏ khỏi đội ngũ của mình những người không đủ phẩm chất, năng lực không làm cho Đảng CSVN yếu đi, mà làm cho Đảng ngày càng vững mạnh.
                                                                   LÊ LONG KHÁNH    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét