Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA - DÂN TỘC THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII

               Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là một trong những thành tố mới trong nội hàm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được Đại hội XII của Đảng xác định. Đây là mục tiêu cao nhất và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay.
            Trong cách mạng giải phóng dân tộc, lợi ích quốc gia - dân tộc của nhân dân Việt Nam là giành độc lập dân tộc, làm điều kiện, tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến đổi mau lẹ, hết sức phức tạp, khó lường; chủ nghĩa dân tộc “thực dụng” ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế, sự tùy thuộc, đan cài lợi ích lẫn nhau giữa các quốc gia - dân tộc càng trở nên phổ biến,… thì lợi ích quốc gia - dân tộc bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đầy đủ nội hàm về bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ biện chứng giữa các nội dung, đặc biệt là vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc đối với sự tồn vong và phát triển đất nước.
            Vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm, thể hiện ở mục tiêu xuyên suốt là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và nhân dân ta luôn đặt quyền lợi giải phóng dân tộc cao hơn hết thảy, khi mà quyền lợi dân tộc chưa đòi được, thì quyền lợi giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Cho nên, khi thời cơ đến, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc. Đó cũng là khát khao cháy bỏng, là nguyện vọng chính đáng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Khi đã giành được độc lập dân tộc, phải quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Khi đất nước bị chia cắt hai miền, thì lợi ích cao nhất của dân tộc ta là đấu tranh thống nhất nước nhà, thu non sông về một mối. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải coi trọng lợi ích quốc gia - dân tộc trong từng chính sách phát triển. Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã khẳng định: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa1. Đây là một trong những bài học quan trọng, được đặt ngang hàng với những bài học về “kiên định”, “dân là gốc”, “tôn trọng khách quan”, “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, v.v. Đồng thời, cũng là vấn đề có tính quy luật về nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước nhà.
            Sự phát triển của tư duy mới về lợi ích quốc gia - dân tộc được thể hiện rõ nét nhất trong đường lối đối ngoại của Đảng ta. Trong văn kiện của các kỳ đại hội trước, Đảng ta xác định: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Tại Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh: luôn luôn coi lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng; là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế không chỉ vì lợi ích quốc gia - dân tộc, mà phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm xuất phát điểm, đích hướng tới để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại và tham gia hội nhập quốc tế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nghĩa là, trong hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế, mọi tổ chức, cá nhân không được phép xem nhẹ lợi ích của quốc gia - dân tộc, đặc biệt phải tránh những tư tưởng, hành động vì lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực mà bỏ qua, bất chấp lợi ích quốc gia - dân tộc; trái lại phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết và phải bảo vệ cho được lợi ích đó trong mọi hoàn cảnh. Tất nhiên, đó không phải là tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, dân tộc cực đoan, hay bất chấp luật pháp quốc tế trong quan hệ đối ngoại, mà trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, các nguyên tắc, định chế của các tổ chức quốc tế. Thực hiện mục tiêu đã xác định, Đảng ta cũng nhấn mạnh, phải nêu cao tinh thần kiên định độc lập, tự chủ, tự lực tự cường; có kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đem lại lợi ích cho quốc gia - dân tộc Việt Nam. Đồng thời, xác định rõ Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
            Mở rộng nội hàm bảo vệ Tổ quốc với nội dung “bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc” không chỉ là tư duy mới, mà còn phản ánh phương pháp giải quyết đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa các lợi ích của Đảng, của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ. Đến nay, nước ta đã đặt quan hệ song phương với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, khu vực trên thế giới. Mỗi quốc gia, dân tộc, khi tham gia tổ chức quốc tế, khu vực và hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa, đều xác định mục đích, mục tiêu nhất định; và suy đến cùng thì đều nhằm làm gia tăng và bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc ấy, hoặc lợi ích của liên minh nào đó. Đối với các nước lớn, giới cầm quyền càng coi trọng và đề ra những chiến lược để đảm bảo lợi ích của họ trên phạm vi toàn cầu, v.v. Kế thừa, phát triển quan điểm đối ngoại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu hoạt động đối ngoại của nước ta phải nhằm “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”2. Điều đó thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, nhằm bảo đảm sự thống nhất và hòa quyện giữa lợi ích của quốc gia - dân tộc Việt Nam với lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đó là nguyên tắc cao nhất trong các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
            Để thực hiện và bảo vệ mục tiêu tối thượng - “lợi ích quốc gia - dân tộc”, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh “lợi ích” là một động lực quan trọng cần nhận thức và xử lý tốt cùng với các động lực khác. Trong mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam với lợi ích toàn cầu, cần giải quyết hài hòa lợi ích với các chủ thể, đó chính là các quốc gia có chủ quyền, các tổ chức quốc tế và khu vực trên thế giới. Trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa các lợi ích và phương thức thực hiện các lợi ích, nhất là về lợi ích kinh tế; đồng thời, phải đảm bảo sự công bằng, hợp lý cho các chủ thể ở trong nước (cá nhân, tập thể, ngành, lĩnh vực,…).
            Quán triệt và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc về tính cấp thiết của bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách; đồng thời, xác định rõ vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bởi vì, quá trình tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì sự đan xen lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc càng lớn, càng phức tạp, bao hàm cả những thuận lợi và khó khăn. Đó là xu thế tất yếu khách quan, vừa mang lại nhiều lợi ích cho dân tộc, cộng đồng, nhưng cũng dễ mang đến không ít rủi ro, nhất là quá trình hội nhập về kinh tế. Bài học về vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường biển ở 04 tỉnh miền Trung của Formosa là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là hết sức quan trọng. Trong đó, cần làm rõ, thống nhất nhận thức về chuỗi lợi ích mà chúng ta phải bảo vệ, đó là: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân; bảo vệ lợi ích hợp pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người của nước ta ở các quốc gia, khu vực khác trên thế giới…; và suy cho cùng là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
            Bên cạnh đó, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam luôn gắn liền và phụ thuộc vào kết quả thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong từng giai đoạn nhất định. Do đó, phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi tình huống. Bởi vì, lợi ích của quốc gia - dân tộc Việt Nam phải do toàn thể nhân dân Việt Nam ra sức bảo vệ.
            Một vấn đề nữa có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam là, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam. Các thế lực thù địch hiện đang triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Do vậy, cùng với thực hiện đồng bộ những biện pháp bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với những âm mưu và hành động xâm hại đến lợi ích hợp pháp của dân tộc ta; trong đó, chú trọng đấu tranh bảo vệ lợi ích trực tiếp thông qua luật pháp quốc tế, định chế trong các tổ chức quốc tế, khu vực mà nước ta đã tham gia và ký kết hợp tác, bảo vệ toàn vẹn lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, góp phần bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế trên các lĩnh vực.
            Như vậy, vấn đề “bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc” phản ánh tư duy lô-gíc, khoa học của Đảng ta về giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong tiến trình hội nhập quốc tế. Từ việc “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”, “bảo đảm và coi lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng” đến “phải bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc” và khẳng định nước ta có đầy đủ khả năng, sức mạnh để bảo vệ toàn vẹn lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây không chỉ là vấn đề nhận thức khoa học về mục tiêu tối thượng, mà còn là nguyên tắc bất di bất dịch, phương châm chỉ đạo hoạt động thực tiễn; đồng thời, là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn thể dân tộc ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
                                      Đại tá, TS. NGUYỄN SỸ HỌA, Học viện Lục quân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét