Tư
tưởng trung bình chủ nghĩa được xác định là một trong những biểu hiện của “tự
diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương
4, khóa XII của Đảng.
Đây là một trạng thái tư tưởng,
một lề lối công tác, một cách thức thể hiện của các cán bộ, đảng viên khiến tổ
chức đảng, cơ quan Nhà nước dễ lâm vào trạng thái trì trệ, mất tính tiền phong,
tính chiến đấu, dẫn tới làm suy giảm thậm chí triệt tiêu vai trò lãnh đạo của
tổ chức đảng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan. Trên bình diện quốc
gia, tư tưởng trung bình chủ nghĩa có thể dìm một quốc gia thụt lùi dần trong
lúc các nước khác phát triển như vũ bão.
Tư
tưởng trung bình chủ nghĩa thực chất là một dạng của chủ nghĩa cá nhân, chủ
nghĩa cơ hội. Tư tưởng này có cơ hội tồn tại và trở thành phổ biến trong cơ chế
phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa; trong cơ chế kế hoạch hóa, tập trung,
bao cấp; cơ chế đánh giá hiệu quả công việc theo kiểu cào bằng, không rõ trách
nhiệm cá nhân.
Các lãnh tụ cách mạng đã chỉ ra những nguy cơ từ các nhóm trung
bình, hạng người trung bình trong tổ chức. Theo V.I.Lenin, trong quan hệ xã
hội, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh biểu hiện thành nhóm trung gian, nhóm trung
bình chủ nghĩa. Đây là những người thỏa mãn và an tâm với hoàn cảnh của mình,
xa lạ với hết thảy mọi ước mơ “viển vông”, nhưng biết rất rõ mình muốn cái gì.
Họ cầu cạnh danh lợi và là những kẻ tôi đòi để đạt danh lợi trong “hòa bình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tư tưởng trung
bình chủ nghĩa cơ bản thể hiện ở nhận thức và thái độ của con người. Theo Chủ
tịch Hồ Chí Minh, “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng
người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém, hạng ở giữa nhiều hơn hết, hạng
hăng hái và hạng kém đều ít hơn …”. Hạng người vừa vừa, hạng ở giữa chính là
biểu hiện của tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Hạng người này thường chiếm số
đông trong tập thể, do đó, hình thức biểu hiện của nó rất đa dạng. Tư tưởng
trung bình chủ nghĩa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có trong phân phối,
mà biểu hiện cả trong chính trị, đạo đức, lối sống.
Sẽ có không ít người lầm tưởng rằng những
người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong một cơ quan, một tổ chức chỉ đơn
giản là những người ít có đóng góp, nhưng là người “vô hại”. Điều này hoàn toàn
sai lầm. Thực tế đã chứng minh, tư tưởng trung bình chủ nghĩa chính là nguy cơ
rất lớn gây ra sự trì trệ, suy thoái, tụt hậu của các tổ chức, đảng phái, tới
cả quốc gia. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều nguyên nhân,
nhưng trong đó có nguyên nhân do áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch tập trung,
bao cấp mà trong đó tư tưởng trung bình chủ nghĩa có cơ hội tồn tại. Thực tế,
những người trung bình chủ nghĩa là một lực cản lớn cho các cơ quan, tổ chức,
đó là vì:
Thứ nhất, nếu tạm mặc định kiến thức, trình độ
học vấn của mọi cá nhân trong một cơ quan, tổ chức là như nhau thì những người
có động lực cống hiến, làm việc nhiều hơn chắc chắn sẽ vươn lên có một năng lực
tốt hơn. Những người trung bình chủ nghĩa lúc nào cũng muốn an nhàn, không có
động lực cống hiến, không có động cơ phấn đấu làm việc hết mình, không nỗ lực
để hoàn thành tốt hơn công việc do mình đảm nhiệm, mà chỉ làm cho xong chuyện.
Họ không chỉ “giậm chân tại chỗ” mà còn sẽ dần tụt dốc so với chính họ do không
hết mình trong công việc và tụt hậu trước nhu cầu phát triển của xã hội, yêu
cầu của công việc. Yêu cầu đặt ra đối với chất lượng hoạt động của các cơ quan,
đơn vị, đặc biệt là các cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng cao, sự “giậm
chân tại chỗ” cũng có nghĩa là ngày càng không đáp ứng được yêu cầu của công
việc.
Thứ hai là tuy rất trì trệ nhưng những người
trung bình chủ nghĩa vẫn giữ chắc vị trí công việc, giữ chắc biên chế Nhà nước.
Sự tồn tại của họ khiến những người mới tốt hơn không có cơ hội để tham gia vào
cơ quan, tổ chức, đơn vị đó nữa.
Thứ ba, những người trung bình chủ nghĩa không
thể tồn tại được trong một môi trường, một tổ chức giàu động lực và khát vọng.
Vì thế, để tồn tại, họ buộc phải ngăn trở cái mới, ngăn trở những nỗ lực buộc
họ phải thay đổi. Họ có xu hướng liên thủ để bảo vệ một môi trường làm việc
“làng nhàng”, “lờ nhờ”, muốn một sự “yếu kém ổn định” của tổ chức, cơ quan, đơn
vị, còn hơn là tạo ra những sự đột phá, thay đổi để rồi họ không tồn tại được.
Họ không thích những cán bộ có tư duy đột phá, những đồng nghiệp xuất sắc,
những đồng nghiệp có tinh thần đấu tranh thẳng thắn, vì đó là những người có
thể sẽ tạo ra những sự thay đổi tích cực. Chính vì thế, họ gièm pha, ngăn trở
sự phát triển của những người này.
Đối với tổ chức đảng, nếu bộ
phận đảng viên có tư tưởng trung bình chủ nghĩa càng nhiều thì tính tiền phong,
chiến đấu, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng chắc chắn sẽ giảm sút. Có thể dễ
dàng nhận ra hiện nay có một bộ phận không nhỏ đảng viên chưa thể hiện được
những phẩm chất mẫu mực; chỉ thích làm việc dễ, nhàn hạ, mang lại nhiều quyền
lợi, lảng tránh việc khó, né tránh những nơi khó khăn, gian khổ; chỉ nghĩ tới
quyền lợi của mình, không đếm xỉa tới lợi ích của tập thể, của cộng đồng, của
đất nước. Có không ít cá nhân vào Đảng chỉ với mục đích rất thực dụng là tạo
thuận lợi để kiếm một suất biên chế Nhà nước. Đó là những biểu hiện nếu không
được khắc phục triệt để thì sẽ dẫn tới việc người dân mất dần niềm tin vào đảng
viên, rồi cả tổ chức đảng.
Trên bình diện quốc gia, các nhà kinh tế học
đã chỉ ra một cái bẫy mà các nước đang phát triển rất dễ sa vào, đó là “cái bẫy
thu nhập trung bình”. Nghĩa là tình trạng khi một quốc gia đạt đến mức thu nhập
bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giậm chân tại mức thu nhập ấy
mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn. Để vượt qua được cái
bẫy trung bình ấy cần những nỗ lực rất lớn, cần sự sáng tạo, đổi mới không
ngừng để vươn lên chiến thắng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Muốn thoát
được “bẫy thu nhập trung bình” cần phải có một nền kinh tế hiệu quả, mà muốn
thế trước hết phải có một nền quản trị quốc gia hiệu quả.
Nền quản trị quốc gia không thể hiệu quả nếu
chỉ có những chiến lược, chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, của Nhà nước
ở “thượng tầng”, trong khi ở “hạ tầng”, ở cơ sở việc triển khai lại không đồng
bộ, không với quyết tâm cao nhất, không có trách nhiệm cao nhất. Trong những
cản lực ở cơ sở thì những cản lực từ đội ngũ cán bộ, nhân viên Nhà nước “sáng
cắp ô đi, chiều cắp ô về” là không nhỏ. Bộ phận cán bộ, nhân viên ấy có năng
lực làng nhàng, thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát rất dễ nhiễm thói quan liêu,
đưa ra những quy định trên trời gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Trong suốt quá trình đổi mới, Đảng ta luôn
kiên trì phê phán tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Việc xóa bỏ cơ chế tập trung,
quan liêu, bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, xét về nguyên tắc, là xóa bỏ tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Tuy vậy, tư
tưởng này cho đến nay vẫn tồn tại khá phổ biến gây rất nhiều nguy cơ như đã
phân tích ở trên. Để loại bỏ tư tưởng này trong sinh hoạt Đảng, chấn chỉnh,
nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cần phải thực hiện những
việc sau:
Thứ nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải xác
định lại tư tưởng, động lực lao động của mình; phải sống có lý tưởng, có hoài
bão; nuôi dưỡng khát vọng hoàn thiện bản thân, có khát vọng cống hiến cho cộng
đồng, cho đất nước.
Thứ hai là trong công tác tổ chức cán bộ cần
phải đề ra được những tiêu chí khách quan, khoa học để đánh giá đúng năng lực
của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh luân chuyển cán bộ; mạnh dạn thay thế những cá
nhân yếu kém, trung bình bằng những cá nhân mới tốt hơn. Cần chọn được những
người đứng đầu có năng lực quản lý, lãnh đạo, có chuyên môn tốt, giàu nhiệt
huyết, từ đó để làm đầu tàu xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Một trong những nội dung trọng tâm của Hội
nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng vừa qua là bàn về việc sắp xếp tổ chức bộ
máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên
chế ấy là thực sự cấp thiết. Nhưng muốn thực hiện thành công thì phải có một
quyết tâm rất lớn, cần một nhận thức đúng đắn của toàn thể cán bộ, đảng viên,
việc tinh giản biên chế chắc chắn sẽ động chạm đến bộ phận cán bộ, đảng viên
thuộc “nhóm yếu kém” và “nhóm trung bình”.
Tính tiền phong, gương mẫu là thuộc tính của
Đảng ta. Năm 1945, Đảng ta chỉ có khoảng 5.000 đảng viên mà có thể vận động
toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám trên cả nước thành công vang dội,
giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là vì 5.000 đảng viên ấy thực sự là 5.000
cá nhân mẫu mực, là những ngọn cờ để quần chúng đi theo. Theo công bố vào tháng
3-2016, Đảng ta đã có 4,65 triệu đảng viên. Nếu tất cả đảng viên đều nêu cao
tinh thần tiền phong, “đảng viên đi trước làng nước theo sau” thì chắc chắn sức
sống, sức chiến đấu của Đảng ta sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều, sẽ lãnh đạo nhân dân
đưa đất nước ta tăng tốc trên quá trình phát triển.
HỒ QUANG
PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét