Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

NGĂN CHẶN KỊP THỜI NHỮNG THÔNG TIN XUYÊN TẠC, BỊA ĐẶT, ÁC Ý TRÊN MẠNG INTERNET

           Internet ra đời đã góp phần rất tích cực vào sự phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội. Vì vậy, rất cần những giải pháp và hành lang pháp lý hữu hiệu để đấu tranh với những mặt tiêu cực.
          Trong thời gian gần đây, trên một số trang web, các trang mạng xã hội tràn ngập những thông tin bôi xấu, vu khống, suy diễn nhằm hạ thấp uy tín một số tổ chức và cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
          Thực ra, những “chiêu trò” này không lạ, không mới của những kẻ “ném đá giấu tay”. Bởi ngay từ thời chưa có mạng internet, những chuyện “buôn dưa lê” như thế này thường được truyền tai nhau bằng cách này cách kia. Những thông tin xấu, độc hại thường được in ấn từ nước ngoài, chuyển vào Việt Nam và được lan truyền bằng các tờ rơi từ người này sang người khác. Khi ấy, để ngăn chặn những tài liệu xấu, chỉ cần có lực lượng đủ mạnh kiểm soát ở các cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường bộ. Hay trước kia, muốn tụ tập đông người, phải rất tốn công sức, tiền của, thời gian để tuyên truyền, vận động, tổ chức, sắp xếp…
          Thời nay, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của interrnet, hằng ngày, hằng giờ, hằng phút những tài liệu như thế có thể được phát tán khắp nơi phát trên mạng. Chỉ cần một cái máy tính, một cái điện thoại cầm tay kết nối internet thì sẽ có vô vàn thông tin. Những thông tin độc hại thường xuyên xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội, trên blog cá nhân, trên phần phản hồi (comment)… Nhiều khi những thông tin này được phát tán thành từng đợt theo ý đồ riêng và lan truyền theo kiểu “đánh hội đồng”. Những thông tin độc hại, bịa đặt này thường nặc danh với mục đích chửi bới, nhục mạ, thậm chí là kích động người khác với những ý đồ xấu.
Những người thường sử dụng mạng internet đã được chứng kiến nhiều lần những thông tin xấu về lãnh đạo nọ, quan chức kia và những mối quan hệ phức tạp giữa họ. Điều đáng nói là sự bịa đặt này nghe chừng rất lố bịch nhằm phá hoại về nhiều mặt, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây tâm lý bức xúc nhưng vẫn để lại không ít tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
          Để tăng cường xử lý những thông tin xấu, độc trên mạng trên internet, Bộ Thông tin – Truyền thông vừa ban hành Chỉ thị số 82 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn là chưa đủ. Bộ cần có những chế tài xử lý thật nặng, thật nghiêm túc với các nhà mạng để xảy ra các thông tin xấu, độc mà không có biện pháp ngăn chặn.
          Về mặt lâu dài, cần có các biện pháp đồng bộ ngăn chặn, xử lý những trang mạng xấu độc. Ví dụ, đối với những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc cần được kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể bằng pháp luật vì nó vi phạm đến nhân phẩm, uy tín cá nhân, quyền công dân của người khác. Các cơ quan chức năng cũng cần trang bị cho người dân các kiến thức cần thiết để có thể tự sàng lọc, nắm bắt thông tin đúng, chính thống, chính xác, tin cậy. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác đấu tranh phản bác những thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
          Đáng lưu ý, các cơ quan truyền thông cần tập trung tuyên truyền toàn diện thành tựu, kết quả, tạo đồng thuận xã hội, và cả những mặt khiếm khuyết, khuyết điểm trên tinh thần xây dựng. Bởi chúng ta tin rằng, người dân trong nước đọc và tin cậy những thông tin báo chí chính thống. Và, khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài.
          Điều quan trọng nhất là cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho các cơ quan báo chí chính thống trong nước. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29/12/2014 vừa qua. Thủ tướng nêu rõ: “Quan trọng nhất là chúng ta chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2015”.
          Đã thành quy luật, cứ vào dịp chúng ta tổ chức đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là những thông tin xấu, độc lại được thế lực xấu, những người bất mãn tung ra nhằm bôi nhọ lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ, làm lung lay niềm tin của nhân dân… Hiện sắp đến kỳ đại hội Đảng các cấp, tình trạng tán phát thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân lại đang có xu hướng tái diễn với mức độ ngày càng nguy hiểm, tinh vi và mật độ ngày càng dầy đặc…
          Chính vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc trong giai đoạn hiện nay càng trở nên cần thiết và cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân./.
                                                                             THU HÀ




VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG, BẢO ĐẢM CÁC QUYỀN VÀ TỰ DO CƠ BẢN CỦA NGƯỜI DÂN

          Ngày 15/5, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông báo ngày 13/5/2016 của Người Phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh LHQ (Geneva) nhấn mạnh:

          Việt Nam bác bỏ các thông tin không chính xác, thiếu khách quan, không được kiểm chứng của Người Phát ngôn của Cao uỷ, đồng thời lấy làm tiếc và thất vọng về phản ứng vội vã này.
          Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, phù hợp với Hiến pháp 2013 và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước về quyền dân sự và chính trị cũng quy định rõ các quyền và tự do cá nhân cần phải thực thi trong khuôn khổ pháp luật, không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội, trật tự công cộng, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng và quyền, lợi ích của cá nhân khác.
Trên tinh thần đó, các biện pháp cần thiết được tiến hành là phù hợp với luật pháp Việt Nam và chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo trật tự giao thông, an ninh, an toàn cho người dân, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em. Những hành vi kích động bạo lực, bài ngoại, gây rối trật tự ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cần phải được ngăn chặn trong khuôn khổ luật pháp, vì lợi ích chung của cộng đồng.
          Trước sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung, Chính phủ, các địa phương liên quan và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể đã và đang hết sức nỗ lực để hỗ trợ cho người dân bị tác động trực tiếp. Với sự hỗ trợ của các đối tác, các nhà khoa học quốc tế, Việt Nam đang khẩn trương tìm nguyên nhân của sự cố và thường xuyên cập nhật tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ trong nỗ lực cùng Việt Nam xử lý vấn đề này trên tinh thần khoa học, khách quan, thiện chí và xây dựng./.



CÓ NÊN BỎ TẾT NGUYÊN ĐÁN?

           Những ngày gần đây, dư luận đang bàn nhiều về ý kiến bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết cổ truyền theo lịch Dương như người Phương Tây. Và đặc biệt, khi nhà văn trẻ Tuệ Nghi đã kịch liệt phản đối phong tục ăn Tết cổ truyền và theo nhà văn trẻ này cho rằng: Hà cớ gì Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn”? Tuy nhiên, ý kiến đó đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Điều bất ngờ là rất đông trong số những ý kiến phản đối lại chính là các bạn học sinh, sinh viên - những người thuộc thế hệ trẻ. Một lớp thế hệ luôn bị cho là có lối sống quá hiện đại, Tây hoá, sính ngoại, đang lãng quên dần những giá trị văn hoá truyền thống... Kể cả đó từng là những bạn trẻ từng, đang sống, học tập ở nước ngoài lâu năm. Vì với họ, càng xa nhà lâu, càng đi nhiều biết nhiều, lại càng thấm thía những ý nghĩa tinh thần không thể thay thế của ngày Tết Nguyên đán.

          Thiết nghĩ, với việc đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, tuy nhiên hội nhập không có nghĩa là “hòa tan”. Mỗi một quốc gia, dân tộc luôn mang trong mình những bản sắc văn hóa, làm tôn chỉ để phân biệt quốc gia, dân tộc này với quốc gia dân tộc khác. Và khi bàn về định hướng cho sự phát triển nền văn hóa toàn cầu, Liên hiệp quốc đã khẳng định: Không phát triển kinh tế đơn thuần, một chiều, bất chấp tất cả và càng không hy sinh văn hóa để đổi lấy phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy, những giá trị văn hóa đã ăn sâu trong tiềm thức của mọi người dân, trở thành phong tục, truyền thống tốt đẹp thì không thể lãng quên hoặc vứt bỏ. Có hay chăng, chúng ta nên hạn chế, khắc phục những cái gọi là lợi dụng Tết cổ truyền để chuộc lợi, làm vấy bẩn lên những giá trị thiêng liêng, quý báu từ ngàn đời…
                                                                             LÊ ANH DŨNG

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

ĐẨY LÙI ÂM MƯU XUYÊN TẠC, CHIA RẼ TÌNH HỮU NGHỊ

         Tình đoàn kết, hữu nghị là giá trị tốt đẹp, bền vững được hun đúc từ lịch sử hàng nghìn năm của hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia, từ mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung. Vậy nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện những âm mưu, thủ đoạn kích động, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp, trong sáng ấy.

Những âm mưu nguy hiểm
            Một dẫn chứng điển hình của âm mưu phá hoại trên phải kể đến trường hợp ông Xam Rên-xi, lãnh đạo cái gọi là đảng Cứu nguy Dân tộc Cam-pu-chia (CNRP), hiện lưu vong ở Pháp cùng hai trợ lý. Ngày 27-12-2016 vừa qua, họ vừa bị tòa án Phnôm Pênh tuyên 5 năm tù do dùng mạng xã hội đăng tải nội dung xuyên tạc quan hệ hai nước. Họ từng đưa ra thông tin xuyên tạc hết sức nguy hiểm rằng hai nước đã “nhất trí xóa bỏ biên giới chung” khi diễn giải hiệp ước mà hai nước ký vào năm 1979.
            Trước đó, ngày 23-12-2016, Tòa phúc thẩm Cam-pu-chia đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm phạt nghị sĩ Um Sam An thuộc đảng CNRP 2,5 năm tù giam vì kích động gây rối an ninh xã hội nghiêm trọng và kích động gây chia rẽ, theo Điều 495 và 496 Bộ luật Hình sự Cam-pu-chia. Đầu năm 2016, ông này đã có nhiều bài viết và bình luận xuyên tạc, vu cáo Chính phủ sử dụng bản đồ giả về biên giới với Việt Nam. Quốc hội Cam-pu-chia đã kiểm tra, đối chiếu bản đồ lưu tại Liên hợp quốc cho thấy, thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt.
            Một bài viết trên Báo The Phnom Penh Post cho biết, tư tưởng bài Việt, kích động, lôi kéo các cử tri trẻ tuổi, thiếu kiến thức và thông tin về quan hệ hai nước, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, chống phá quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia do một số thế lực chính trị đối lập kích động có thể gây bất ổn xã hội tại đất nước Chùa tháp. Nhất là trong thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử ở Cam-pu-chia, việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi làm “mồi nhử” lôi kéo phiếu bầu có thể mang lại những hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài có thể sẽ là mồi lửa châm ngòi xung đột, gây chia rẽ dân tộc, chia rẽ quan hệ hữu nghị. Trong những âm mưu phá hoại đó, dư luận nhân dân hai nước hẳn chưa quên sự kiện diễn ra cách đây ít lâu, có lực lượng đối lập ở Cam-pu-chia đã đến các địa bàn giáp biên để tuyên truyền, lôi kéo người dân ủng hộ bầu cử hội đồng xã, phường vào năm 2017 và bầu cử Quốc hội Cam-pu-chia năm 2018. Các tổ chức phản động lưu vong cũng tăng cường về các vùng giáp biên giới Việt Nam lôi kéo nhân dân hai nước thực hiện mưu đồ của chúng. Ngược về thời gian trước không lâu, tại Cam-pu-chia từng diễn ra một số cuộc biểu tình tự phát, xuyên tạc và ngang ngược đòi “cắt quan hệ với Việt Nam”. Chúng đã bị dư luận ở chính Cam-pu-chia và quốc tế lên án. Trước và sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen mới đây, những luận điệu xuyên tạc đó lại “rộ lên”.
            Họ cũng không ngần ngại xuyên tạc, phỉ báng cả xương máu của những người Việt Nam đã hy sinh vì tình cảm quốc tế trong sáng, giúp Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
            Những luận điệu đó không mới, nhưng chúng không dừng ở phá hoại quan hệ hai nước mà còn ẩn chứa nhiều âm mưu phá hoại đen tối khác. Năm 2013, tại cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 5, đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) giành được chiến thắng với 68 ghế, ông Xam Rên-xi đã có những phát ngôn lạc lõng, vô căn cứ, gây tổn hại quan hệ hữu nghị hai nước khi trả lời phỏng vấn đài BBC, vu cáo: “Hà Nội từng lấn chiếm đất đai Cam-pu-chia và… chiếm các đảo của Trung Quốc (!)”.
            Đi ngược thực tế lịch sử và đạo lý
            Bộ Nội vụ Cam-pu-chia đã từng lên tiếng tuyên bố những hành vi đó là không chấp nhận được và đi ngược đạo lý. Trong một phát ngôn chính thức với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, người phát ngôn Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đã nêu rõ, đất nước Việt Nam anh em không phải là nhân tố đe dọa an ninh của Cam-pu-chia: “Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia luôn chủ trương bảo vệ và phát triển mối quan hệ với Việt Nam, thành quả to lớn của quá trình lâu dài cùng sát cánh chiến đấu bên nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử, kiên quyết không để bất kỳ thế lực nào phá hoại mối quan hệ đoàn kết đặc biệt này”.
            Nhìn lại những trang sử rực lửa và cũng thấm đẫm máu, nước mắt của nhân dân hai nước, chúng ta có thể thấy rõ không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đưa ra quan điểm trên. Theo PGS, TS Vũ Quang Hiển, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia Hà Nội, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đã kề vai, sát cánh, cùng chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, để lại những kinh nghiệm quý cho hôm nay và mai sau. Trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” (tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ nhiều lần kêu gọi Lào và Cam-pu-chia gia nhập cái gọi là “Khối phòng thủ Đông Nam Á” và “Khối phòng ngự sông Cửu Long” nhằm cô lập và xâm lược Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết ba dân tộc.
            Sau nhiều thăng trầm, dấu mốc tốt đẹp quan hệ hai nước phải kể đến sự kiện ngày 8-6-1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cam-pu-chia theo đường biên giới hiện tại. Đáp lại, ngày 15-6-1967, Chính phủ Cam-pu-chia công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam. Quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đã đoàn kết chặt chẽ và anh dũng chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Trong năm 1970, liên quân Việt Nam - Cam-pu-chia đẩy mạnh các hoạt động quân sự, làm tan rã hàng vạn quân của chính quyền Lonon, mở rộng vùng căn cứ cách mạng của Cam-pu-chia từ phía bắc tỉnh Rát-ta-na-ki-ri đến phía nam tỉnh Kam-pốt, đập tan cuộc tiến công của 10 vạn quân địch sang Cam-pu-chia (tháng 4-1970), rồi tiếp tục làm thất bại các cuộc hành quân Chenla 1 (tháng 6-1970), Toàn thắng, Chenla 2 (1971)... Sau Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), Việt Nam đã tiếp tục giúp đỡ Cam-pu-chia đấu tranh vũ trang. Quân-dân Cam-pu-chia phối hợp với chiến trường miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng công kích, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (17-4-1975).
            Đẩy lùi âm mưu xuyên tạc, chia rẽ
            Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: “Phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, đoàn kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em”. “Trước sau như một, Việt Nam trung thành với nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng Lào và cách mạng Cam-pu-chia”.
            Mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục được phát huy, phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 12-2016 vừa qua, tại buổi gặp mặt, nói chuyện với hơn 200 đại biểu tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia qua các thời kỳ, Thủ tướng Hun Xen đã nhấn mạnh chuyến thăm của ông lần này đến Việt Nam mang theo thông điệp cảm ơn của nhân dân Cam-pu-chia đối với Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ đánh đổ và ngăn chặn không cho chế độ Pôn Pốt quay trở lại, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước Cam-pu-chia phồn vinh như ngày nay. Ông khẳng định luôn trân trọng những kỷ niệm tốt đẹp với quân và dân Việt Nam. Dù tình hình thế giới có diễn biến phức tạp thế nào cũng không thể tác động đến quan hệ láng giềng anh em tốt đẹp giữa hai nước. Hai nước cần giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp vốn có, tài sản vô giá đã được vun đắp trong suốt quá trình đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng phát triển đất nước ngày nay.
            Ở Cam-pu-chia hiện nay lưu giữ công trình Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia được xây dựng cuối những năm 1970 để kỷ niệm liên minh Việt Nam - Cam-pu-chia, sau khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào lật đổ chế độ diệt chủng. Tượng đài tạc hình ảnh hai người lính Việt Nam - Cam-pu-chia sát cánh bảo vệ một thiếu phụ và em bé Cam-pu-chia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hoa tại tượng đài trong chuyến thăm chính thức Cam-pu-chia vào năm 2011. Năm 2015, Hội đồng Dân tộc Mặt trận Đoàn kết phát triển Cam-pu-chia và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thống nhất thực hiện công tác khảo sát, kiểm tra, lập dự án sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các tượng đài hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, trong đó có tượng đài trên.
            Trân trọng, gìn giữ, phát triển tình hữu nghị là nguyện vọng chung của đông đảo nhân dân hai nước. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là những âm mưu chống phá, chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc là hết sức nguy hiểm; từng để lại những khó khăn, hậu quả trong lịch sử cũng như có nhiều diễn biến phức tạp trong một số vụ việc kích động, phá hoại, ẩn chứa những mưu đồ đen tối từng bị Nhà nước Cam-pu-chia lên án và xử lý thời gian qua. Để đẩy lùi những âm mưu ấy, cùng với việc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị quý báu, phải luôn giữ được nhất quán trong đường lối đối ngoại, hợp tác, cảnh giác, tỉnh táo trước mọi thủ đoạn chia rẽ, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy giữa chính quyền và nhân dân hai nước. Đặc biệt, phải làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thực tiễn lịch sử và thực chất quan hệ hai nước để không ngừng chung tay vun đắp tình hữu nghị, không để những “lỗ hổng” hiểu biết cho kẻ xấu kích động, xuyên tạc.
                                                                        NGUYÊN MINH


NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

             Tham nhũng là vấn nạn của mọi quốc gia trên thế giới. Nhận thức đúng nguy cơ, tác hại của tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chú trọng tiến hành nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng, hạn chế lãng phí, tiêu cực.

            Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt hiệu quả cao bắt nguồn từ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ làm suy kiệt đất nước, mà nguy hại hơn chính là đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng, gây tổn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; làm tha hóa cán bộ.
            Nhìn lại thực tiễn đất nước ta qua các nhiệm kỳ đại hội gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm chính trị cao, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tính từ năm 2006 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ ngày 1-10-2010 đến 30-4-2013, tổng giá trị thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng hơn 17.000 tỷ đồng; tổng giá trị thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đạt 29,45%. Từ năm 2009 đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý, tiến hành xét xử hàng nghìn vụ với hàng nghìn bị cáo bị truy tố về tội tham nhũng... Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước; đồng thời, đó cũng là tiêu chí để đánh giá; là thước đo kết quả hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng góp phần rất quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời tạo ra khí thế mới, động lực mới, huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
            Tuy đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nhưng so với yêu cầu đặt ra, so với nguyện vọng của quần chúng nhân dân thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều điều đáng quan tâm. Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng chỉ rõ: Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, còn tiếp tục diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, khởi tố, điều tra, xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng chưa chặt chẽ, còn hạn chế dẫn đến tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kể cả những vụ án nghiêm trọng, phức tạp bị kéo dài. Công tác thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Việc kê khai tài sản, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức còn hình thức và không thực chất.
            Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên, nhưng những nguyên nhân chủ quan là quan trọng. Bởi vậy, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể, từng cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tham nhũng, lãng phí.
            Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: Thu hồi kịp thời với mức cao nhất tài sản bị tham nhũng nhằm khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, góp phần chủ động phòng ngừa, đẩy lùi tham nhũng.
            Như vậy, chúng ta thấy rất rõ tác dụng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ góp phần rất quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân; đồng thời là giải pháp quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vậy, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp để từ đó kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội. Theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực... là 2 trong 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Từ những biểu hiện nêu trên có thể thấy, tham nhũng, lãng phí chỉ xảy ra đối với những người, những cán bộ có chức, có quyền. Vì vậy, để chống tham nhũng hiệu quả đòi hỏi lòng dũng cảm, bản lĩnh, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; đặc biệt là phải phát huy được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; của cán bộ, công chức, viên chức ở từng cơ quan, đơn vị.
            Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến khó khăn, phức tạp, lâu dài, bởi vậy cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cả trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; cả trong xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa quyết định là cần phải tiến hành tốt việc công khai, phát huy dân chủ trong thảo luận, quyết định các chủ trương, giải pháp trong từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể. Để thực hiện tốt quan điểm trên, từng cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải luôn giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; gắn chặt việc phân công nhiệm vụ với xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng lĩnh vực, công việc được giao.
            Bài học kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào phát huy được dân chủ, công khai hóa mọi chủ trương, giải pháp; đồng thời giữ vững nguyên tắc trong lãnh đạo, điều hành thì khi đó công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới đạt hiệu quả. Thực hành dân chủ không những phát huy được trí tuệ tập thể, mà còn là hình thức nâng cao chất lượng giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ.      
                                                LÊ NGỌC LONG