Chống phá
Quân đội là âm mưu xuyên suốt trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế
lực thù địch. Gần đây, mưu đồ này được chúng thực hiện một cách ráo riết và
trực diện hơn, với những thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt. Chúng ta cần hết sức
tỉnh táo, cảnh giác và chủ động đấu tranh.
Cùng với thủ đoạn đòi “phi chính trị hóa” Quân đội, gần đây, các
thế lực thù địch sử dụng một số thủ đoạn mới để chống phá Quân đội, hòng làm
mất chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời gây hoang mang
dư luận, hạ thấp uy tín, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Quân đội. Nổi
lên, một số thủ đoạn chống phá mới như sau:
1. Mượn danh, mạo danh cán bộ cấp
cao của Quân đội đã nghỉ hưu để nói xấu lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Trò
“gắp lửa bỏ tay người” này trước đây họ đã sử dụng, gần đây càng ráo riết hơn.
Qua thẩm tra của các cơ quan chức năng trong Quân đội thấy rằng, một số đồng
chí cán bộ cao cấp của Quân đội đã nghỉ hưu, trong đó có cả cán bộ cấp tướng
hoàn toàn bất ngờ trước việc mạo danh, mượn danh mình để nói xấu, gây hại Quân
đội và các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Có đồng chí cán bộ quân đội khi bị
mạo danh đã rất phẫn nộ, đòi nghiêm trị kẻ phi nhân tính, lừa đảo. Mặc dù vậy,
cũng phải nói rằng, trong xã hội không phải ai cũng có thông tin chính xác và
đầy đủ để nhận biết rõ sự thật, “trắng đen”. Vì thế, thủ đoạn này của họ tuy
không thật mới nhưng ở mức độ nào đó cũng gây những hiệu ứng tiêu cực, đòi hỏi
chúng ta phải nêu cao cảnh giác để phòng ngừa, chủ động đấu tranh.
2. Họ tuyên truyền Quân đội chỉ
có chức năng chiến đấu, không có và không nên lao động sản xuất, xây dựng kinh
tế. Đây là một thủ đoạn mới, chống phá trực diện Quân đội ta. Vừa
qua, lợi dụng một số vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quân đội,
như: sân golf, quản lý và sử dụng đất quốc phòng; sắp xếp, đổi mới, nâng cao
hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội; họ tuyên truyền trên in-tơ-nét và
một số trang mạng xã hội nhiều tin, bài, comment, video clip,... xuyên tạc,
trong đó tập trung phủ nhận chức năng “đội quân lao động sản xuất” của Quân
đội, bản chất, truyền thống tốt đẹp và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là những ý
kiến phiến diện, một chiều, không có cơ sở.
Xét về bản chất, Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân
mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ ngày đầu thành lập (22-12-1944) đến
nay, Quân đội ta luôn thể hiện rõ bản chất cách mạng, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội
Cụ Hồ”, xứng đáng với truyền thống đáng tự hào của Quân đội anh hùng: trung với
Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua,
kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Xét về chức
năng, Quân đội có ba chức năng cơ bản, trong đó có chức năng “đội quân lao động
sản xuất”. Hiến pháp năm 2013, Điều 65 đã ghi: “Lực lượng vũ trang nhân dân...
cùng với toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Như vậy, về
mặt pháp lý, cùng với chức năng, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân
đội còn tham gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội xây dựng đất nước và đó
là truyền thống, bản chất của Quân đội ta - “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực tiễn quá trình
xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, phát triển 73 năm qua, Quân đội đã thực hiện
và hoàn thành tốt chức năng cơ bản này. Trong kháng chiến, bộ đội vừa trực tiếp
huấn luyện, chiến đấu trên các chiến trường, vừa tích cực tăng gia sản xuất,
tạo nguồn hậu cần tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống, đảm bảo sức khỏe cho bộ
đội chiến đấu thắng lợi. Trong thời bình, với bản chất, truyền thống của Quân
đội ta, việc tiếp tục tăng gia sản xuất là rất cần thiết. Vẫn biết rằng, Quân
đội là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng không
có nghĩa là không tham gia xây dựng đất nước. Thông qua thực hiện chức năng đội
quân lao động sản xuất, Quân đội đã và đang góp phần vào việc tăng cường tiềm
lực quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện đời sống bộ
đội. Đi đến đâu, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” hăng say trên mặt trận lao động sản
xuất, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng cũng để lại những dấu ấn đẹp trong
lòng nhân dân.
Hiến pháp năm 2013, Điều 68 quy định: “... xây dựng công nghiệp
quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp
quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”. Theo đó, các
doanh nghiệp quân đội được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản
xuất quốc phòng, đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang trong hoạt động huấn
luyện, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc
khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực con người và cơ sở vật chất, trang
thiết bị của các doanh nghiệp quân đội là việc làm cần thiết để Quân đội tham
gia cùng với toàn dân xây dựng đất nước và làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ
Tổ quốc. Quân đội không tận dụng được nguồn lực này, trước hết là lãng phí,
tiếp đó là không thực hiện tốt chức năng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao
phó. Vì thế, hà cớ gì mà các doanh nghiệp quân đội lại không được tham gia sản
xuất, phát triển kinh tế đất nước?
Hiện nay, trong Quân đội không có loại hình doanh nghiệp kinh tế
thuần túy, ngay cả các doanh nghiệp kinh tế, thương mại cũng góp phần nhất định
vào việc xây dựng Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, thực hiện các chính
sách xã hội, hậu phương Quân đội. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh
doanh, các doanh nghiệp này phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nhất
là Luật Doanh nghiệp, bình đẳng như các doanh nghiệp dân sinh khác. Đối với
loại hình doanh nghiệp quốc phòng, trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị
là sản xuất hàng quốc phòng theo chỉ tiêu được giao, tiếp đó mới tận dung công
năng dôi dư để sản xuất các mặt hàng phục vụ dân sinh. Nhưng cần thấy, dây
chuyền, công nghệ sản xuất các sản phẩm này có tính lưỡng dụng để có thể sẵn
sàng chuyển sang sản xuất quốc phòng khi đất nước có chiến tranh. Như vậy, có
thể thấy, các doanh nghiệp quốc phòng cũng đóng góp tích cực vào sự nghiệp hiện
đại hóa Quân đội. Các doanh nghiệp quân đội có mặt trên mọi miền Tổ quốc, nhất
là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và đây cũng là những lĩnh vực, địa
bàn mà các doanh nghiệp khác khó hoặc không làm được. Cho nên, các doanh nghiệp
Quân đội đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả vào công cuộc xóa đói
giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các doanh nghiệp
quân đội đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày
27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững
đối với 61 huyện nghèo.
Theo Nghị quyết thì nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng là “chủ trì, phối
hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các địa phương liên quan tổ chức đào tạo, tập
huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho y, bác sĩ, cán bộ y tế cơ sở
cho các xã thuộc huyện nghèo, xây dựng trạm xá quân dân y kết hợp; phối hợp với
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vận động thanh niên, trí thức
trẻ tình nguyện đến công tác tại các xã thuộc huyện nghèo, các khu kinh tế -
quốc phòng, để tạo nguồn cán bộ cho địa phương; chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên
phòng, các đoàn kinh tế - quốc phòng, các lực lượng an ninh tham gia xây dựng
các công trình hạ tầng; xây dựng trường nghề để đào tạo nghề đối với bộ đội
xuất ngũ và lao động của địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ,
giúp dân xây dựng nếp sống mới, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên
địa bàn”. Với nhiệm vụ được giao như vậy, đã tạo cơ sở pháp lý cho các doanh
nghiệp quân đội khẳng định vị thế của mình trong tham gia phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội, xây dựng đất nước, chứ không như những ý kiến lạc lõng, thiếu
căn cứ của một số người chuyên đi “thọc gậy bánh xe” để chống phá Quân
đội.
Với việc xây
dựng các khu kinh tế - quốc phòng1 trên các địa bàn chiến lược,
trọng yếu về quốc phòng - an ninh, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp
với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ,
tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm, điều kiện cần thiết cho các
hộ dân định cư lâu dài, hình thành các điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai
biên giới, địa bàn xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn,
hướng chiến lược. Với tinh thần đó, từ năm 2000 đến nay, các đoàn kinh tế -
quốc phòng đã đỡ đầu, đón nhận trên 101.000 hộ dân vào sinh sống, lập nghiệp
trong các khu kinh tế - quốc phòng; xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với
trên 32.000 hộ dân; xóa 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, giúp hàng
nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đi vào hoạt động nền nếp có
hiệu quả, v.v. Điều đó tạo ra nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp quốc phòng, bảo
vệ Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động các binh đoàn 15, 16
làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng trên biên giới Nam Trung
Bộ, Tây Nam Bộ đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy tiềm
năng, thế mạnh trên từng địa bàn, vừa sản xuất, phát triển kinh tế, vừa tham
gia tích cực vào sự nghiệp tăng cường quốc phòng, ổn định dân cư, tạo việc làm
cho đồng bào, khắc phục được tình trạng di dịch cư tự do, chống buôn lậu, buôn
bán người, ma túy, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa
bàn. Đó là một minh chứng hùng hồn bác bỏ mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù
địch về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội.
3. Họ cho rằng, Quân đội sử dụng
đất quốc phòng không đúng mục đích. Lợi dụng một số công trình, dự án
liên quan đến đất quốc phòng, như: sân bay Tây Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh
và sân bay Miếu Môn thuộc xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, họ lớn tiếng cho rằng,
Quân đội sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích, phục vụ “lợi ích nhóm” và
để hoang hóa, không hiệu quả. Đó là cách nhìn thiển cận chỉ thấy hiện tượng mà
không hiểu bản chất của sự việc.
Quân đội được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao quản lý đất quốc
phòng, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn
dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình
huống. Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng luôn được các cấp trong Quân đội
quán triệt, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định. Tuyệt nhiên không có
việc sử dụng vào “lợi ích nhóm” như ai đó xuyên tạc hoặc cố tình “hiểu nhầm”.
Trong quá trình quản lý, sử dụng đất quốc phòng có thể có nơi này, nơi
khác chưa có nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng nhưng luôn phải sẵn sàng
đáp ứng yêu cầu đó, chứ không phải đất hoang hóa. Thừa nhận rằng, trong quá
trình quản lý, sử dụng đất quốc phòng có trường hợp cá nhân, đơn vị cơ sở thực
hiện chưa tốt, thậm chí chưa đúng mục đích. Những cá nhân, tập thể đó được cấp
có thẩm quyền xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và kỷ luật Quân
đội đảm bảo đúng người, đúng sai phạm, tuyệt nhiên không có vùng cấm. Nếu chỉ
vì một vài trường hợp cụ thể để suy diễn, kết luận Quân đội quản lý, sử dụng
đất quốc phòng không đúng mục đích là cách xem xét thiếu khách quan, không loại
trừ nhằm dụng ý xấu.
Trước những hành động chống phá chức năng, nhiệm vụ của Quân đội
và việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng nói trên, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ
cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ đó.
NGUYỄN PHÚ HƯNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét