Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

CHỐNG PHÁ QUÂN ĐỘI - ÂM MƯU CŨ, THỦ ĐOẠN MỚI

Chống phá Quân đội là âm mưu xuyên suốt trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Gần đây, mưu đồ này được chúng thực hiện một cách ráo riết và trực diện hơn, với những thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt. Chúng ta cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác và chủ động đấu tranh.
Cùng với thủ đoạn đòi “phi chính trị hóa” Quân đội, gần đây, các thế lực thù địch sử dụng một số thủ đoạn mới để chống phá Quân đội, hòng làm mất chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời gây hoang mang dư luận, hạ thấp uy tín, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Quân đội. Nổi lên, một số thủ đoạn chống phá mới như sau:
1. Mượn danh, mạo danh cán bộ cấp cao của Quân đội đã nghỉ hưu để nói xấu lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Trò “gắp lửa bỏ tay người” này trước đây họ đã sử dụng, gần đây càng ráo riết hơn. Qua thẩm tra của các cơ quan chức năng trong Quân đội thấy rằng, một số đồng chí cán bộ cao cấp của Quân đội đã nghỉ hưu, trong đó có cả cán bộ cấp tướng hoàn toàn bất ngờ trước việc mạo danh, mượn danh mình để nói xấu, gây hại Quân đội và các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Có đồng chí cán bộ quân đội khi bị mạo danh đã rất phẫn nộ, đòi nghiêm trị kẻ phi nhân tính, lừa đảo. Mặc dù vậy, cũng phải nói rằng, trong xã hội không phải ai cũng có thông tin chính xác và đầy đủ để nhận biết rõ sự thật, “trắng đen”. Vì thế, thủ đoạn này của họ tuy không thật mới nhưng ở mức độ nào đó cũng gây những hiệu ứng tiêu cực, đòi hỏi chúng ta phải nêu cao cảnh giác để phòng ngừa, chủ động đấu tranh.
2. Họ tuyên truyền Quân đội chỉ có chức năng chiến đấu, không có và không nên lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đây là một thủ đoạn mới, chống phá trực diện Quân đội ta. Vừa qua, lợi dụng một số vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, như: sân golf, quản lý và sử dụng đất quốc phòng; sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội; họ tuyên truyền trên in-tơ-nét và một số trang mạng xã hội nhiều tin, bài, comment, video clip,... xuyên tạc, trong đó tập trung phủ nhận chức năng “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội, bản chất, truyền thống tốt đẹp và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là những ý kiến phiến diện, một chiều, không có cơ sở.
Xét về bản chất, Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ ngày đầu thành lập (22-12-1944) đến nay, Quân đội ta luôn thể hiện rõ bản chất cách mạng, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với truyền thống đáng tự hào của Quân đội anh hùng: trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Xét về chức năng, Quân đội có ba chức năng cơ bản, trong đó có chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Hiến pháp năm 2013, Điều 65 đã ghi: “Lực lượng vũ trang nhân dân... cùng với toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Như vậy, về mặt pháp lý, cùng với chức năng, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đội còn tham gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội xây dựng đất nước và đó là truyền thống, bản chất của Quân đội ta - “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, phát triển 73 năm qua, Quân đội đã thực hiện và hoàn thành tốt chức năng cơ bản này. Trong kháng chiến, bộ đội vừa trực tiếp huấn luyện, chiến đấu trên các chiến trường, vừa tích cực tăng gia sản xuất, tạo nguồn hậu cần tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội chiến đấu thắng lợi. Trong thời bình, với bản chất, truyền thống của Quân đội ta, việc tiếp tục tăng gia sản xuất là rất cần thiết. Vẫn biết rằng, Quân đội là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng không có nghĩa là không tham gia xây dựng đất nước. Thông qua thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất, Quân đội đã và đang góp phần vào việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện đời sống bộ đội. Đi đến đâu, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” hăng say trên mặt trận lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng cũng để lại những dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân.
Hiến pháp năm 2013, Điều 68 quy định: “... xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”. Theo đó, các doanh nghiệp quân đội được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất quốc phòng, đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang trong hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị của các doanh nghiệp quân đội là việc làm cần thiết để Quân đội tham gia cùng với toàn dân xây dựng đất nước và làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Quân đội không tận dụng được nguồn lực này, trước hết là lãng phí, tiếp đó là không thực hiện tốt chức năng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Vì thế, hà cớ gì mà các doanh nghiệp quân đội lại không được tham gia sản xuất, phát triển kinh tế đất nước?
Hiện nay, trong Quân đội không có loại hình doanh nghiệp kinh tế thuần túy, ngay cả các doanh nghiệp kinh tế, thương mại cũng góp phần nhất định vào việc xây dựng Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, thực hiện các chính sách xã hội, hậu phương Quân đội. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp này phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp, bình đẳng như các doanh nghiệp dân sinh khác. Đối với loại hình doanh nghiệp quốc phòng, trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị là sản xuất hàng quốc phòng theo chỉ tiêu được giao, tiếp đó mới tận dung công năng dôi dư để sản xuất các mặt hàng phục vụ dân sinh. Nhưng cần thấy, dây chuyền, công nghệ sản xuất các sản phẩm này có tính lưỡng dụng để có thể sẵn sàng chuyển sang sản xuất quốc phòng khi đất nước có chiến tranh. Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp quốc phòng cũng đóng góp tích cực vào sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội. Các doanh nghiệp quân đội có mặt trên mọi miền Tổ quốc, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và đây cũng là những lĩnh vực, địa bàn mà các doanh nghiệp khác khó hoặc không làm được. Cho nên, các doanh nghiệp Quân đội  đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các doanh nghiệp quân đội đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
Theo Nghị quyết thì nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng là “chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các địa phương liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho y, bác sĩ, cán bộ y tế cơ sở cho các xã thuộc huyện nghèo, xây dựng trạm xá quân dân y kết hợp; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vận động thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các xã thuộc huyện nghèo, các khu kinh tế - quốc phòng, để tạo nguồn cán bộ cho địa phương; chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, các đoàn kinh tế - quốc phòng, các lực lượng an ninh tham gia xây dựng các công trình hạ tầng; xây dựng trường nghề để đào tạo nghề đối với bộ đội xuất ngũ và lao động của địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giúp dân xây dựng nếp sống mới, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn”. Với nhiệm vụ được giao như vậy, đã tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp quân đội khẳng định vị thế của mình trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đất nước, chứ không như những ý kiến lạc lõng, thiếu căn cứ của một số người chuyên đi  “thọc gậy bánh xe” để chống phá Quân đội.
Với việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng1 trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng - an ninh, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm, điều kiện cần thiết cho các hộ dân định cư lâu dài, hình thành các điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn, hướng chiến lược. Với tinh thần đó, từ năm 2000 đến nay, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã đỡ đầu, đón nhận trên 101.000 hộ dân vào sinh sống, lập nghiệp trong các khu kinh tế - quốc phòng; xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với trên 32.000 hộ dân; xóa 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đi vào hoạt động nền nếp có hiệu quả, v.v. Điều đó tạo ra nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động các binh đoàn 15, 16 làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng trên biên giới Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy tiềm năng, thế mạnh trên từng địa bàn, vừa sản xuất, phát triển kinh tế, vừa tham gia tích cực vào sự nghiệp tăng cường quốc phòng, ổn định dân cư, tạo việc làm cho đồng bào, khắc phục được tình trạng di dịch cư tự do, chống buôn lậu, buôn bán người, ma túy, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đó là một minh chứng hùng hồn bác bỏ mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội.
3. Họ cho rằng, Quân đội sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích. Lợi dụng một số công trình, dự án liên quan đến đất quốc phòng, như: sân bay Tây Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và sân bay Miếu Môn thuộc xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, họ lớn tiếng cho rằng, Quân đội sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích, phục vụ “lợi ích nhóm” và để hoang hóa, không hiệu quả. Đó là cách nhìn thiển cận chỉ thấy hiện tượng mà không hiểu bản chất của sự việc.
Quân đội được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao quản lý đất quốc phòng, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng luôn được các cấp trong Quân đội quán triệt, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định. Tuyệt nhiên không có việc sử dụng vào “lợi ích nhóm” như ai đó xuyên tạc hoặc cố tình “hiểu nhầm”. Trong quá trình quản lý, sử dụng đất quốc phòng  có thể có nơi này, nơi khác chưa có nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng nhưng luôn phải sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đó, chứ không phải đất hoang hóa. Thừa nhận rằng, trong quá trình quản lý, sử dụng đất quốc phòng có trường hợp cá nhân, đơn vị cơ sở thực hiện chưa tốt, thậm chí chưa đúng mục đích. Những cá nhân, tập thể đó được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và kỷ luật Quân đội đảm bảo đúng người, đúng sai phạm, tuyệt nhiên không có vùng cấm. Nếu chỉ vì một vài trường hợp cụ thể để suy diễn, kết luận Quân đội quản lý, sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích là cách xem xét thiếu khách quan, không loại trừ nhằm dụng ý xấu.
Trước những hành động chống phá chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng nói trên, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ đó.
                      NGUYỄN PHÚ HƯNG


CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN XẤU ĐỘC NHẰM VÀO QUÂN ĐỘI

Một trong những mục tiêu chống phá trọng điểm trong Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là công kích, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, vị trí, vai trò của Quân đội ta, chia rẽ Quân đội với Đảng và nhân dân, làm phai mờ bản chất cách mạng, phá hoại sức mạnh của Quân đội. Vì vậy, nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn xấu độc nhằm vào Quân đội là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Trước hết, các thế lực thù địch tập trung chống phá nhằm làm suy yếu Quân đội về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch là “phi chính trị hóa” quân đội, tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Đây là âm mưu cực kỳ thâm độc đã và đang được các thế lực thù địch tiến hành bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Cách thức phổ biến của chúng là phát tán tài liệu, tuyên truyền trên in-tơ-nét, mạng xã hội về “quân đội phi giai cấp”; “quân đội nhà nghề”; rằng, quân đội là công cụ của Nhà nước, chỉ có sứ mệnh, chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, chứ quân đội không thuộc một thể chế chính trị nào, vì thế không có trách nhiệm bảo vệ Đảng, từ đó hòng làm cho Quân đội ta biến chất về chính trị, mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu. Về tư tưởng, chúng triệt để lợi dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin, sức lan truyền của các trang mạng xã hội để phát tán những tài liệu, luận thuyết có vẻ “khách quan”, “khoa học” rằng: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã “lỗi thời” và không còn phù hợp với thời đại, cũng như không còn chủ nghĩa xã hội hiện thực. Họ ra sức truyên truyền, xuyên tạc về sự đối lập giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Rằng, Đảng ta chỉ cần lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, không cần lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin; trong khi một số kẻ phản động khác lại tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây thực chất là cách gây nhiễu, nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngoài ra, Họ còn tìm cách cài xen nội dung tuyên truyền hoạt động của Quân đội thông qua diễn đàn khoa học, phát tán tài liệu, rải tờ rơi, “phiếu cung cấp thông tin”, thư điện tử; cổ xúy việc viết “thư góp ý”, “hồi ký” của cán bộ quân đội lão thành… nhằm gieo rắc tâm lý mơ hồ, hoài nghi, thiếu tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Về tổ chức, chúng lợi dụng chủ trương tinh gọn và hiện đại hóa một số lực lượng trong Quân đội để kích động chia rẽ nội bộ Quân đội, giữa các thành phần trong lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, chúng triệt để khai thác những vấn đề còn bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ, thăng, phong quân hàm để nói xấu, chia rẽ và làm suy yếu Quân đội về tổ chức. Bằng cách lợi dụng, sử dụng những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, Họ chú trọng hướng tới việc tuyên truyền, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là đối với cán bộ, sĩ quan trẻ. Họ cho rằng: “lớp cộng sản cha kiên trung khó đánh, còn lớp cộng sản con không được tôi luyện, thử thách trong chiến tranh, thích hưởng thụ, nên dễ đánh hơn”. Và từ đó, ra sức tuyên truyền lối sống tư sản, ăn chơi, sa đọa, hòng làm cho cán bộ, chiến sĩ suy thoái về tư tưởng chính trị. Về đạo đức, họ tập trung khoét sâu vào điểm yếu, lờ đi những thành tích, việc làm tốt của Quân đội, thổi phồng những hạn chế, yếu kém để phủ nhận, xuyên tạc bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, v.v. Trên thực tế, những âm mưu, thủ đoạn chống phá đó đã làm một số người nhẹ dạ, cả tin, mơ hồ, mắc mưu.
Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây, họ còn đẩy mạnh tuyên truyền kích động, chia rẽ mối đoàn kết máu thịt quân - dân và xuyên tạc bản chất, truyền thống, hạ thấp uy tín của Quân đội. Đây là thủ đoạn hết sức nham hiểm, nhằm phá vỡ nền tảng chính trị - xã hội của Quân đội ta. Điểm dễ nhận thấy là, họ thường lợi dụng tình hình khó khăn của đất nước để quy kết, kích động, chia rẽ quan hệ quân - dân và bản chất, truyền thống, chức năng của Quân đội và cho rằng “bản chất Bộ đội Cụ Hồ không còn nữa”. Điển hình như, lợi dụng sự thiệt hại ở các tỉnh miền Trung do cơn bão số 12 gây ra, một số kẻ giả nhân, giả nghĩa lớn tiếng kêu rằng “Quân đội ở đâu, cán bộ ở đâu trong giờ này?”, và rằng: “Quân đội chỉ lo đi làm kinh tế, bỏ mặc dân chúng”, v.v. Họ đã cố tình “lờ đi” sự đóng góp tích cực của Quân đội trong tham gia cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ nhân dân vùng bão lụt cả về nhân lực, vật lực và tinh thần. Với hơn 3.000 cán bộ chiến sĩ, hàng chục tàu, xuồng của các đơn vị Hải quân, Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng đã tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đã cứu sống 88 người dân gặp nạn và nhiều tàu thuyền của ngư dân; hỗ trợ thuốc men, lương thực, thực phẩm, ủng hộ hàng chục nghìn ngày công giúp cho nhân dân vùng bão lũ1 khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Đó là minh chứng Quân đội luôn hoàn thành tốt chức năng của “đội quân công tác”, luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Một thủ đoạn cũng hết sức thâm độc nữa của các thế lực thù địch là, ra sức tuyên truyền phủ nhận chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, trực tiếp là chức năng “Đội quân lao động sản xuất”, tham gia xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng.
Có thể nói, âm mưu, thủ đoạn chống phá Quân đội của các thế lực thù địch, phản động là hết sức thâm độc, nguy hiểm; vừa ngấm ngầm, tinh vi, xảo quyệt, vừa công khai trắng trợn. Họ kết hợp cả lực lượng bên ngoài và bên trong để chống phá Quân đội trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; sử dụng các phương tiện, các hình thức, biện pháp,… hòng chia rẽ Quân đội với Đảng và nhân dân, hạ thấp uy tín, bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đội ta.
Cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xấu độc của các thế lực thù địch nhằm vào Quân đội, chúng ta cần tiến hành đồng bộ các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, nhiệm vụ, chức năng, bản chất, truyền thống của Quân đội, làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là nền tảng và sức mạnh tinh thần của mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Đồng thời, nâng cao cảnh giác, kịp thời nhận diện và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Cùng với đó, có biện pháp quản lý, ngăn chặn, vô hiệu hóa các “kênh” thông tin mà kẻ địch thường sử dụng để truyền bá quan điểm, luận điểm xuyên tạc, phản động; phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng 47,…; dự báo những tình huống phức tạp nảy sinh về tư tưởng chính trị trong cán bộ, chiến sĩ và xác định biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả; khắc phục tình trạng triển khai hoạt động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” một cách hình thức, thụ động, mang tính “thời vụ”./.
Đại tá, TS. NGUYỄN SỸ HỌA, Học viện Lục quân