Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; là một trong những vĩ nhân đầu tiên của thế kỷ XX đã đóng góp to lớn vào giải quyết các vấn đề về quyền con người và Người đã trọn đời đấu tranh giải pháp dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, hết lòng vì nước, vì dân của Hồ Chí Minh là di sản quý báu đối với dân tộc ta và đóng góp vào lý luận Mác - Lênin và di sản văn hóa nhân loại. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về quyền con người có nội dung phong phú và sâu sắc. Tư tưởng nhân quyền của Người là kim chỉ nam về lý luận và thực tiễn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong suốt hơn tám thập niên qua và hiện nay đang tiếp tục soi đường cho sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của nhân dân ta giành thắng lợi.
Người đã chỉ ra rằng, quyền con người chỉ có được thông qua đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyền con người gắn liền với quyền dân tộc, với độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người có quá trình hình thành và phát triển, gắn với hoạt động thực tiễn phong phú và nghiên cứu thấu đáo lý luận của Hồ Chí Minh, xuất phát từ những giá trị nhân văn Việt Nam truyền thống và các giá trị thời đại, phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền con người
Quyền con người là một giá trị phổ quát và là vấn đề có tính lịch sử dài lâu cả về phương diện thực tiễn cũng như lý luận. Quyền con người có nội dung rất phong phú, có tính chất nhạy cảm, phức tạp. Và càng phức tạp hơn khi nó gắn với các chế độ chính trị khác nhau. Do các lát cắt tiếp cận đa dạng, vấn đề quyền con người thường có những nhận thức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Hồ Chí Minh tiếp cận vấn đề quyền con người xuất phát từ truyền thống dân tộc Việt Nam và từ bối cảnh thực tiễn cụ thể của đất nước, đồng thời kế thừa có chọn lọc những nội dung hợp lý của tư tưởng nhân quyền hiện đại. Trên cơ sở đó, Người đã đưa ra những luận điểm mới, sâu sắc và toàn diện về quyền con người, phù hợp với đặc điểm của tình hình cụ thể ở Việt Nam và thời đại mới.
Từ đặc điểm của dân tộc đang bị mất độc lập, bị áp bức bóc lột nặng nề dưới chế độ đế quốc thực dân và địa chủ phong kiến tay sai, mọi quyền sống của con người cũng như quyền dân tộc đều bị xóa bỏ. Vì vậy, vấn đề quyền con người ở Việt Nam chỉ có thể được giải quyết thông qua cuộc cách mạng để giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam. Đó là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến tay sai, chỗ dựa cho bộ máy thống trị và bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đấu tranh giành độc lập dân tộc phải gắn chặt với đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đó là yêu cầu của thực tiễn Việt Nam đặt ra, cách mạng cần giải quyết, có giải quyết được yêu cầu này thì quyền con người mới được bảo đảm.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người bắt nguồn từ lịch sử dân tộc và thực tiễn của đất nước, kế thừa có chọn lọc những tư tưởng nhân quyền tiến bộ của phương Đông cũng như phương Tây. Đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng con người và xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người.
Với ý chí kiên cường, Hồ Chí Minh đã lên đường bôn ba tìm đường cứu nước. Trải qua những tháng năm khảo sát thực tế cuộc sống nhiều quốc gia, tìm hiểu về những gì ẩn chứa sau những từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, xem các giá trị cao quý đó được thực thi ở “mẫu quốc” và tại các nước, các thuộc địa như thế nào. Người đã đến trung tâm của chủ nghĩa thực dân để xem cái “hào nhoáng” của những nền “văn minh với sứ mệnh khai hóa”. Người đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản và các nhà tư tưởng tiến bộ khác đồng thời đã tìm thấy ở Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền của cách mạng Pháp (1789) và Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) những “quyền bất khả xâm phạm” của con người. Năm 1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Người gửi “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc xay (Pháp). “Bản yêu sách” gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ tối thiểu và cơ bản cho dân Việt Nam, cũng như các dân tộc ở Đông Dương… Nhưng những yêu sách đó của Nguyễn Ái Quốc đều không được đại diện các nước tham gia Hội nghị Véc xay quan tâm. Thực tế đó, giúp Người ngày càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc thực dân và rút ra kết luận quan trọng rằng: Muốn được giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình và phải thông qua cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ. Đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là tiền đề, là điều kiện giành lấy và thực hiện quyền của con người. Đây là một vấn đề mới về lý luận và chính trị.
Những nội dung cơ bản trong quan điểm Hồ Chí Minh về quyền con người
Một là, Hồ Chí Minh quan niệm quyền của mỗi người gắn chặt và không tách rời với quyền của dân tộc, do đó Người đã đấu tranh đòi quyền con người cho cả dân tộc, quyền tự quyết, quyền bình đẳng dân tộc. Không dừng lại ở đó, Người đã đòi quyền cho tất cả các dân tộc đang bị áp bức bóc lột trên thế giới. Đây là sự phát triển, khái quát cao, đem lại những nội dung mới về quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh thời đại mới. Điều này đã được thể hiện rõ trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam do Người trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, Người khẳng định một chân lý của thời đại mới đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, từ những quyền cơ bản của con người được mở rộng thành quyền dân tộc và gắn chặt quyền con người với độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc là một cống hiến lý luận của Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.
Hai là, Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh đòi quyền cho con người, mà Người còn nhấn mạnh tới quyền làm người. Bởi vì, quyền con người không chỉ cần ăn, mặc, ở, đi lại để tồn tại mà còn vươn lên trên cái tồn tại để hoàn thiện và phát triển bản thân. Đó chính là quyền học tập, sáng tạo, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do, quyền dân sự, quyền về chính trị, kinh tế - văn hóa xã hội, cũng như quyền của các nhóm người đặc biệt trong xã hội như: quyền các dân tộc thiểu số, quyền phụ nữ, quyền của trẻ em, quyền của nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ để họ hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc mà Người còn bàn tới quyền làm chủ, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền đi lại, quyền cư trú, quyền công dân, quyền hôn nhân và xây dựng gia đình, quyền sỡ hữu tài sản, quyền tư do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Như vậy, có thể thấy nội dung quyền con người trong tư tưởng của Hồ Chí Minh được phát triển rất phong phú cả về bề rộng và chiều sâu, tạo ra một hệ thống về quyền con người theo quan điểm khoa học và cách mạng.
Ba là, Hồ Chí Minh triệt để thực hiện giữa nói và làm. Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, giữa lý luận và thực tiễn, giữa động cơ và hiệu quả đã trở thành đặc trưng nổi bật của Hồ Chí Minh so các nhà tư tưởng, các lãnh tụ khác. Người là tấm gương sáng, trọn vẹn về nhân quyền và cuộc đấu tranh cho quyền con người.
Người khẳng định rõ: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có căm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Hồ Chí Minh khẳng định: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó. Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề con người và giải phóng con người, coi đó là mục đích cao nhất cần đạt tới trong mọi hoạt động cách mạng của mình.
Trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã dồn hết tâm lực, trí tuệ để lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho dân tộc, giành quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng, phát triển đất nước để mang lại hạnh phúc và quyền làm người cho toàn dân, làm cho Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu…
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của nước ta là: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”. Người luôn tâm niệm, nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, dân vẫn cứ đói, rét thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.
Chính vì lẽ đó, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”. Với quan niệm trên, trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho người dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ, nghĩa là trong xã hội nhân dân là người chủ của nước, nước là nước của nhân dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công bộc phục vụ cho nhân dân. Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân. Là đầy tớ, là công bộc của dân, vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, phải trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Cán bộ phải như những người lính vâng mệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết định, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: Đảng không có mục tiêu nào khác là đem lại lợi ích cho dân.
Hiểu rất rõ giá trị của quyền con người và quyền làm người, ngay khi cách mạng thành công, chỉ sau một ngày Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 3-9-1945), Người chỉ ra 6 nhiệm vụ cấp bách trong đó có nhiệm vụ ban hành hiến pháp để bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân và đề nghị tổ chức sớm nhất cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái đủ 18 tuổi trở lên đều được quyền ứng cử và bầu cử theo luật định không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo và giống nòi.
Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta do Người trực tiếp làm trưởng ban soạn thảo đã được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946. Ngay trong lời nói đầu đã xác định: “bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân” là một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp. Trong bản Hiến pháp năm 1946 đã giành cả chương II nói về “quyền lợi và nghĩa vụ công dân” gồm 18 điều cụ thể quy định các quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội…
Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng hệ thống quyền con người ở nước ta ngày càng mở rộng và được quán triệt ngày càng đầy đủ trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1982, 1992 và năm 2013 cũng như trong chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là vấn đề lớn với một nội dung rất rộng, toàn diện và sâu sắc. Ngày nay, tư tưởng quyền con người của Người được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang tiếp tục quán triệt và vận dụng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định quan điểm nhất quán: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người”; con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội XII xác định: Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ và bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, theo phương hướng: Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.
Quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một vấn đề lớn, có nội dung phong phú, đặc sắc. Quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc mà còn bao gồm cả quyền làm chủ, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền đi lại, quyền cư trú, quyền công dân, quyền hôn nhân và xây dựng gia đình, quyền sỡ hữu tài sản, quyền tư do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Cả cuộc đời Người đấu tranh vì thực hiện quyền con người.
Để hiện thực hóa các quyền con người, cần các điều kiện tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm các quyền có việc làm, ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, nghỉ ngơi, chữa bệnh, chăm sóc người già, trẻ em, phụ nữ,... cải thiện ngày một tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Chế độ kinh tế và xã hội xã hội chủ nghĩa, theo Người chính là “nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân” là làm cho dân giàu, nước mạnh, làm cho “mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”, là công bằng, hợp lý. Xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động chính là thực hiện trên thực tế sự nghiệp giải phóng con người theo lý tưởng nhân văn tiến bộ của nhân loại. Đó vừa là mục tiêu, đồng thời cũng là động lực phát triển của xã hội Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
ThS Đào Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét