Theo nhiều cứ liệu lịch sử, ngay từ buổi sơ khai của dân
tộc, biển đã là môi trường làm ăn, sinh sống của các bộ lạc người Việt cổ; đồng
thời, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền độc lập, tự chủ của Đại Việt.
Truyền thuyết về Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển; hình thuyền khắc
trên trống đồng Đông Sơn cùng hàng trăm hiện vật khảo cổ ở Hàng Kênh - Việt Khê
(Hải Phòng),… đã khẳng định: môi trường sống của tổ tiên ta từ xa xưa không chỉ
ở đất liền mà còn gắn bó chặt chẽ với biển.
Cũng theo một số công trình nghiên cứu có uy tín, thực
chất của quá trình hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam là sự giao thoa của
hai xu hướng: từ núi xuống biển và từ biển phát triển lên. Trong đó, nhiều nhóm
người (trước đây là cư dân ven biển), sau thời biển tiến (cách đây khoảng 4.000
- 5.000 năm) đã trở thành cư dân nội địa của những vùng đồng bằng trù phú.
Không những thế, việc chinh phục biển của các bộ lạc người Việt đã tạo ra những
mối giao lưu rộng với bên ngoài, như: Ấn Độ, Mã Lai, Nhật Bản,… thậm chí tới cả
Địa Trung Hải, tạo động lực phát triển trên nhiều mặt. Đây là một trong những
nét độc đáo trong quá trình hình thành Nhà nước Văn Lang; đồng thời, góp phần
quy định bản sắc văn hóa dân tộc từ thời dựng nước.
Cùng với đó, vùng biển, đảo của nước ta còn có vị trí,
vai trò quan trọng trong bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trên thực tế, một số
triều đại phong kiến phương Bắc và hai đế quốc đầu sỏ là thực dân Pháp,
đế quốc Mỹ đều mở đầu xâm lược nước ta từ hướng biển. Chính vì lẽ đó mà từ xa
xưa, các triều đình phong kiến Việt Nam đều chăm lo và có nhiều chính sách bảo
vệ, thực thi chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của mình. Ví như, dưới thời
nhà Lý đã thiết lập ra các “trang”; thời nhà Trần tổ chức ra các “trấn”, đến
thời Lê đặt ra chế độ “tuần kiểm” ở các xứ cửa biển và các đảo,… để quản lý các
vùng hải đảo. Đặc biệt, thời nhà Nguyễn còn tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải
để bảo vệ, quản lý, thực thi chủ quyền ở các đảo, quần đảo xa bờ. Thực tiễn
lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cũng cho thấy, trên môi trường sông biển
đã hình thành những trận thủy chiến oanh liệt, đánh thắng các cuộc chiến tranh
xâm lược. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh
đạo của Đảng, quân và dân ta đã lấy chiến trường sông biển để tạo thành lũy
chống địch phong tỏa, đột nhập, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đồng thời, mở
đường vận chuyển chiến lược trên biển, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam,
góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
sâu rộng, vùng biển nước ta đã, đang trở thành không gian chiến lược đặc biệt
quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với vùng biển rộng, bờ
biển dài cùng hệ thống đảo, quần đảo từ xa đến gần đã tạo môi trường sinh tồn
và phát triển đời đời của dân tộc ta; đồng thời, hình thành thế liên hoàn, vững
chắc bờ - biển - đảo trong thế phòng thủ chung của cả nước. Tuy nhiên, trước
tham vọng và toan tính của thế lực nước ngoài, vùng biển nước ta cũng tiềm ẩn
những nguy cơ mất ổn định, khó lường. Vì thế, cùng với tập trung các nguồn lực
để khai thác, phát triển kinh tế biển, chúng ta cần coi trọng xây dựng khu vực
phòng thủ vững chắc trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ
quốc.
Tạ Quang thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét