Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN THỰC Ở VIỆT NAM

             Qua 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vậy mà, một số người lại cố tình phủ nhận những giá trị của chủ nghĩa xã hội và kết quả công cuộc đổi mới đất nước mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực, phấn đấu xây dựng nên - Điều đó thể hiện ý đồ xấu của họ.
          Gần đây, các đối tượng phản động đã phát tán một số bài viết nhằm xuyên tạc, đả kích chủ nghĩa xã hội hiện thực, rằng: “chủ nghĩa xã hội: xã hội chủ nô”, “chủ nghĩa xã hội sản sinh ra những con người và xã hội ích kỷ”; “đi theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một sai lầm lịch sử, Việt Nam đang bế tắc về kinh tế”; vu cáo Đảng cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, chuyên chính, quan liêu, v.v. Thực chất đó là cách nói, cách nhận xét phiến diện, phi lý, hoàn toàn không có cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm mục đích phủ nhận những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội đang hiện hữu ở Việt Nam, tiến tới đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
          Lý luận và thực tiễn khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa đã tạo nên những giá trị mới mà không một chế độ nào trước đó có được; những thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên những giá trị của chủ nghĩa xã hội, có sức sống bền vững, đặc biệt là những thành công trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Qua 30 năm đổi mới, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tình trạng kém phát triển, kinh tế tăng trưởng khá, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
          Trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; cuộc sống của người dân từng ngày được “thay da, đổi thịt”, từ chỗ phải chịu cảnh “thiếu thốn trăm bề, cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, đến nay đã được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho sự phát triển bản thân một cách toàn diện. Chính sách an sinh và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, đặc biệt là trong vấn đề xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, chế độ ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội,… tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về mọi mặt. Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 8,8 triệu người có công được hưởng chế độ ưu đãi (10% dân số); khoảng 14 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, vùng đặc biệt khó khăn chỉ còn dưới 30%; 11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 190 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hơn 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 61 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Việc phổ cập giáo dục tiểu học được hoàn thành vào năm 2010 (99% trẻ em trong độ tuổi học sinh bậc tiểu học được đến trường). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho toàn dân. Tuổi thọ trung bình tăng, đạt 73,5 tuổi vào năm 2015. Các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực được đảm bảo bằng pháp luật và trong thực tiễn. Điều 3 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…”. Các chính sách dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện và được bảo đảm trong thực tiễn, v.v. Việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (khóa 2014 - 2016) là sự ghi nhận và khẳng định những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm nhân quyền của Đảng, Nhà nước ta cùng những đóng góp quan trọng về thúc đẩy quyền con người trong khu vực và trên thế giới của Việt Nam.
          Cùng với đó, Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh thực hiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của công dân; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình và xã hội. Quan tâm giáo dục, xây dựng con người Việt Nam với những đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”, có thế giới quan khoa học, phát huy phẩm chất nhân ái, lối sống có trách nhiệm, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, hội tụ những giá trị “chân - thiện - mỹ”; khẳng định và tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp và nhân văn. Hiện nay, những giá trị mới của con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, sáng tạo, khát vọng vươn lên của người dân Việt Nam đang từng bước được phát triển; những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, như: yêu nước, đoàn kết, “thương người như thể thương thân”,... đã, đang ngày càng được nuôi dưỡng và phát huy. Hàng vạn những “Gương mặt tiêu biểu” trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, những “Việc tử tế”, những “Tấm gương bình dị mà cao quý”, những nghĩa cử cao đẹp, những chương trình “Trái tim cho em”, “Nâng bước em tới trường”... đang nở rộ, có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội.
          Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc thông qua các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ giai đoạn 2016 - 2030 (tháng 10-2015), Việt Nam được đánh giá là biểu tượng đấu tranh giành độc lập dân tộc, là hình mẫu về phát triển kinh tế, điểm sáng xóa đói giảm nghèo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Nếu tất cả các nước đều nỗ lực như Việt Nam, chắc chắn thế giới sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới”. Đó là một sự ghi nhận khách quan của quốc tế về thành tựu phát triển và giá trị chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và đó cũng là minh chứng rõ ràng, sống động nhất để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, vu khống của những kẻ chống phá cách mạng Việt Nam.
          Trong khi đó, nhìn vào nội tại xã hội tư bản hiện đại vẫn đang tồn tại đầy rẫy những khuyết tật, mâu thuẫn không thể giải quyết, như: thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, khủng bố, v.v. Theo tổ chức từ thiện Oxfam đánh giá: chỉ 85 người giàu nhất thế giới có giá trị tài sản bằng 3,5 tỉ người nghèo; 1% người giàu nhất thế giới chiếm giữ khoảng 110 nghìn tỷ USD. Hiện nay, ở một số nước tỷ lệ người nghèo khá cao, như: Mê-hi-cô 21,4%; Israel 20,9%; Thổ Nhĩ Kỳ 19,2%; Chi-lê 17,8%; Anh 9,5%. Ngay ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chênh lệch giàu - nghèo rất lớn: 1% người giàu có giá trị tài sản hơn 90% người nghèo; 7% người giàu nắm giữ tới 63% tài sản quốc gia; 49,7 triệu người dân Mỹ trong diện nghèo, v.v. Đặc biệt, tình trạng khủng bố, bạo lực, tội phạm, an ninh, phân biệt chủng tộc, sắc tộc diễn ra tràn lan, kéo dài không dứt, nhất là ở các nước phương Tây, Mỹ, khu vực Trung Đông.
          Phủ nhận giá trị của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một thủ đoạn nham hiểm được các thế lực thù địch thường dùng với mục tiêu hòng phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Song, đó chỉ là sự ảo tưởng của những kẻ ngông cuồng, với bản chất hiếu chiến, xâm lược. Bởi, những thành quả đạt được và giá trị tốt đẹp mà chủ nghĩa xã hội đã mang lại cho nhân dân đang hiện hữu ở Việt Nam. Đó là điều không thể phủ nhận! Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng đang diễn ra quyết liệt, cam go, phức tạp. Thực chất đó là cuộc đấu tranh giai cấp dưới hình thức mới, trong điều kiện mới. Đối với nhân dân ta đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa để bảo vệ chân lý, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì thế, chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh này là trách nhiệm cao cả của tất thảy người Việt Nam yêu nước ở trong nước và nước ngoài, trước hết là cán bộ, đảng viên./.
                                                SỸ HỌA - QUANG HỢP


VAI TRÒ CỦA BIỂN ĐẢO TRONG LỊCH SỬ DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC

             Theo nhiều cứ liệu lịch sử, ngay từ buổi sơ khai của dân tộc, biển đã là môi trường làm ăn, sinh sống của các bộ lạc người Việt cổ; đồng thời, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền độc lập, tự chủ của Đại Việt. Truyền thuyết về Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển; hình thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn cùng hàng trăm hiện vật khảo cổ ở Hàng Kênh - Việt Khê (Hải Phòng),… đã khẳng định: môi trường sống của tổ tiên ta từ xa xưa không chỉ ở đất liền mà còn gắn bó chặt chẽ với biển.
            Cũng theo một số công trình nghiên cứu có uy tín, thực chất của quá trình hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam là sự giao thoa của hai xu hướng: từ núi xuống biển và từ biển phát triển lên. Trong đó, nhiều nhóm người (trước đây là cư dân ven biển), sau thời biển tiến (cách đây khoảng 4.000 - 5.000 năm) đã trở thành cư dân nội địa của những vùng đồng bằng trù phú. Không những thế, việc chinh phục biển của các bộ lạc người Việt đã tạo ra những mối giao lưu rộng với bên ngoài, như: Ấn Độ, Mã Lai, Nhật Bản,… thậm chí tới cả Địa Trung Hải, tạo động lực phát triển trên nhiều mặt. Đây là một trong những nét độc đáo trong quá trình hình thành Nhà nước Văn Lang; đồng thời, góp phần quy định bản sắc văn hóa dân tộc từ thời dựng nước.
            Cùng với đó, vùng biển, đảo của nước ta còn có vị trí, vai trò quan trọng trong bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trên thực tế, một số triều đại phong kiến phương Bắc và hai đế quốc đầu sỏ là  thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đều mở đầu xâm lược nước ta từ hướng biển. Chính vì lẽ đó mà từ xa xưa, các triều đình phong kiến Việt Nam đều chăm lo và có nhiều chính sách bảo vệ, thực thi chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của mình. Ví như, dưới thời nhà Lý đã thiết lập ra các “trang”; thời nhà Trần tổ chức ra các “trấn”, đến thời Lê đặt ra chế độ “tuần kiểm” ở các xứ cửa biển và các đảo,… để quản lý các vùng hải đảo. Đặc biệt, thời nhà Nguyễn còn tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để bảo vệ, quản lý, thực thi chủ quyền ở các đảo, quần đảo xa bờ. Thực tiễn lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cũng cho thấy, trên môi trường sông biển đã hình thành những trận thủy chiến oanh liệt, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược.  Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã lấy chiến trường sông biển để tạo thành lũy chống địch phong tỏa, đột nhập, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đồng thời, mở đường vận chuyển chiến lược trên biển, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
            Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, vùng biển nước ta đã, đang trở thành không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với vùng biển rộng, bờ biển dài cùng hệ thống đảo, quần đảo từ xa đến gần đã tạo môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta; đồng thời, hình thành thế liên hoàn, vững chắc bờ - biển - đảo trong thế phòng thủ chung của cả nước. Tuy nhiên, trước tham vọng và toan tính của thế lực nước ngoài, vùng biển nước ta cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định, khó lường. Vì thế, cùng với tập trung các nguồn lực để khai thác, phát triển kinh tế biển, chúng ta cần coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
                                                            Tạ Quang thực hiện


SỰ NGUY HIỂM CỦA LUẬN ĐIỆU ĐÒI "PHI CHÍNH TRỊ HÓA" QUÂN ĐỘI

              Không phải hiện nay, mà ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã phải đương đầu với những luận điệu hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; trong đó, đòi “phi chính trị hóa” quân đội là luận điệu số một.
            Để hiện thực hóa mục tiêu, chúng tiến hành chống phá ta một cách bài bản bằng cả lực lượng trong nước và ngoài nước, tận dụng công nghệ thông tin để làm trò ảo thuật, hòng xuyên tạc, bịa đặt sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Quân đội. Trên các phương tiện thông tin, nhất là mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị tung ra đủ mọi “lý lẽ”, “cơ sở” của việc đòi “phi chính trị hóa” quân đội. Luận điệu chống phá của chúng thường được chuyển tải trên các phương tiện thông tin của phương Tây; được “cài đặt” trên các mạng xã hội, như: web, facebook, blog cá nhân;… và được “kích hoạt” vào những thời điểm nhạy cảm. Tất cả những gì chúng đề cập đều rất thâm hiểm, bởi nó quan hệ trực tiếp đến chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản và Quân đội ta. Thực hiện thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, chúng nhai đi nhai lại: “quân đội phải đứng ngoài chính trị”, “quân đội không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái nào”, v.v. Thực chất của luận điệu xuyên tạc đó là nhằm tách Quân đội  khỏi Đảng Cộng sản; đồng thời, kích động tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, chúng ra sức phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới đất nước,… hòng làm cho cán bộ, chiến sĩ mất lòng tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng,  tạo khoảng trống về tư tưởng - lý luận, để luồn lách quan điểm, lập trường giai cấp tư sản. Do không thể phủ nhận được những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta, chúng tìm cách thổi phồng khuyết điểm và nguyên nhân nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, từ đó phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,… để đề cao thể chế “tam quyền phân lập”, kinh tế thị trường hiện đại (theo kiểu tư bản chủ nghĩa) và “xã hội dân sự” - xem đó là “ba trụ cột” của Việt Nam thời kỳ đương đại”! Lố bịch hơn, chúng còn trắng trợn vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là “độc tài, toàn trị”, vi phạm “dân chủ, nhân quyền”, “tham ô, tham nhũng”, “đã hết vai trò lịch sử”,… và hô hào đòi giải tán Đảng Cộng sản, đòi “đa nguyên, đa đảng”!? v.v.
            Đặc biệt, chúng tiếp tục đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 - tức xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta. Chúng phê phán học thuyết Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới - để phủ nhận chức năng, nhiệm vụ cơ bản nhất của Quân đội ta. Trơ tráo hơn, chúng còn phủ nhận tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội về chính trị, hòng tạo cơ sở cho việc đòi “phi chính trị hóa” quân đội. Chúng tập trung công kích nguyên tắc Đảng lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với Quân đội; cho rằng nguyên tắc đó thể hiện Đảng tự cho mình quyền đứng trên xã hội, trên luật pháp, bởi quân đội là để “bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân”, Đảng chỉ là một bộ phận của xã hội, sao lại giành “độc quyền lãnh đạo” cho riêng mình!
            Không chỉ thế, các thế lực thù địch còn tìm cách để hạ thấp vai trò công tác đảng, công tác chính trị, hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp trong Quân đội. Chúng tung ra nhiều luận điệu được che đậy, ngụy trang kín đáo mà nếu người nghe không suy xét kỹ sẽ dễ ngộ nhận, như: trong thời buổi kinh tế thị trường, lợi nhuận là mục đích, vật chất là đòn bẩy, thì “công tác động viên chính trị, tinh thần không còn tác dụng nữa”; rằng: trong chiến tranh hiện đại, quyết định thắng lợi là công tác tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, còn “công tác chính trị, cán bộ chính trị chỉ là những thứ ăn theo mà thôi”! Để gây mâu thuẫn, chia rẽ “tự diễn biến” nội bộ ta, chúng sử dụng nhiều “mưu ma, chước quỷ”, kể cả việc nghiên cứu, viện dẫn có “chọn lọc” những bất cập về chế độ, chính sách và so sánh một cách khập khiễng về trần quân hàm giữa cán bộ chính trị với các cán bộ hậu cần, kỹ thuật, v.v. Đặc biệt, chúng ra sức đề cao sức mạnh quân đội các nước tư bản và “khuyên” Quân đội ta nên thực hiện “chuyên nghiệp hóa” - mà thực chất nhằm hạ thấp nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội. Chúng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để đơm đặt, bôi nhọ các đồng chí, chỉ huy trong Quân đội; đồng thời, lợi dụng một số sự kiện liên quan đến quân sự, quốc phòng để bịa đặt về: “thanh trừng nội bộ”, “tham ô, tham nhũng”,… hòng tạo dư luận xấu trong xã hội, hạ thấp uy tín của Quân đội.
            Cùng với đó, chúng còn tìm mọi cách móc nối, cài cắm, truyền bá tư tưởng, quan điểm sai trái, như: đòi “dân chủ, dân sinh”, “đa nguyên, đa đảng”, lối sống ích kỷ, hưởng thụ, buông thả, “tự do chủ nghĩa” vào đội ngũ sĩ quan hòng gây “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ quân đội. Chúng lợi dụng một số hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội để xuyên tạc bản chất và truyền thống của Quân đội ta. Chúng trắng trợn bôi xấu chế độ và Quân đội ta, rằng: xã hội “thì tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt”; quân đội thì “binh kiêu, tướng thoái”,… rồi kết luận: thử hỏi, nhân dân còn tin được vào ai? Chúng bịa đặt, vu khống Quân đội: chỉ lo bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, mà không quan tâm tới bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Rằng, do phải chăm lo cho “con đường xã hội chủ nghĩa”, được đi đầu trong chống “diễn biến hòa bình” và mải đề phòng “nhân dân”,… nên Quân đội đã quên mất “chức năng” của mình; tình cảm quân - dân phai nhạt, làm kinh tế thì “thua lỗ” mặc dù được bao cấp! v.v.
Rõ ràng, những luận điệu xuyên tạc trên của chúng đều là sự ngụy tạo, xúc xiểm, đầy kích động nhằm làm cho Quân đội ta tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng; mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng, mất phương hướng chiến đấu, dẫn đến dễ bị “vô hiệu hóa”, v.v. Nếu chúng ta không cảnh giác, vạch rõ những thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, phản động để kiên quyết đấu tranh bác bỏ, thì sẽ trở thành nguy cơ hiện hữu thực sự đối với Quân đội.
            Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh: không thể có bất cứ một quân đội nào “trung lập về chính trị”, “đứng ngoài chính trị” hay tách khỏi “sự lãnh đạo của chính đảng cầm quyền”. Do vậy, mọi luận điệu đòi “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch thực chất là giả dối, lừa bịp, hòng che đậy mưu đồ chính trị xấu xa - vô hiệu hóa Quân đội để dễ bề chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
            Chúng ta đều biết, mục tiêu xuyên suốt của chủ nghĩa đế quốc là xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đòi “phi chính trị hóa” quân đội là khâu đột phá của quá trình thực hiện mục tiêu nêu trên của chúng. Nhưng tham vọng là một chuyện, còn thành công là một chuyện khác. Có thể chúng có thừa tham vọng, cả quyết tâm thực hiện tham vọng, nhưng tham vọng đó có trở thành hiện thực hay không lại không phụ thuộc vào chúng, mà quyết định ở chúng ta.
            Sự khẳng định đó có cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc. Bởi, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Sự lãnh đạo của Đảng trở thành nguyên tắc căn bản trong xây dựng Quân đội, quyết định bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, sự trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng của Quân đội ta trong mọi thời kỳ cách mạng. Mối quan hệ giữa Đảng với Quân đội đã trở thành bản chất, truyền thống quý báu của Quân đội ta. Thực tiễn 72 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội ta luôn quán triệt, thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Quân đội ta luôn lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng, của dân tộc làm mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của mình. Chính vì thế, Quân đội ta luôn được nhân dân hết sức yêu thương, nuôi dưỡng, đùm bọc và yêu mến gọi tên: Bộ đội Cụ Hồ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội luôn nhận rõ kẻ thù của nhân dân, của dân tộc; xác định đúng đối tượng tác chiến; vận dụng, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh vô cùng to lớn để chiến đấu và giành những chiến thắng vĩ đại, đánh bại những tên đế quốc thực dân, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn nhiều lần. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, sức mạnh chiến đấu cao, trở thành quân đội bách chiến, bách thắng, quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đó là sự thật - là chân lý không thể bác bỏ!
            Thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tập trung chống phá Quân đội ta quyết liệt và nguy hiểm hơn. Mọi âm mưu tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng đều nhằm cô lập Đảng, làm cho Đảng mất đi lực lượng chính trị trung thành, tin cậy nhất, mất đi sức mạnh vật chất to lớn nhất. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối, quan điểm của Đảng; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh có hiệu quả với mọi luận điệu đòi “phi chính trị hóa” quân đội. Đặc biệt, phải quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 04 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tập trung xây dựng Quân đội ta vững mạnh, xứng đáng với lời khen của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
                                                            VINH HIỂN


“TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” - NHẬN DIỆN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG

                Thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một trong những thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước ta. Điều đáng quan ngại là nó diễn ra ngấm ngầm rất khó nhân diện. Vì thế, cần phải cảnh giác, có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
            Theo Đại Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên từ thái cực này sang thái cực khác mà hậu quả nó gây ra hết sức nguy hiểm, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất, nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm mục ruỗng Đảng từ bên trong, dẫn đến chuyển hóa chế độ.
            Biểu hiện trước hết của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Tiếp đến là chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, thu thập tin tức nội bộ, công khai luận điệu chống đối, phản động và những tiêu cực trong đời sống xã hội; đồng thời, câu kết, tiếp tay cho các phần tử thù địch từ bên ngoài để chống phá cách mạng Việt Nam. Ở mức cao hơn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bộc lộ rõ tư tưởng phản động, chống đối, thách thức với pháp luật và hệ thống chính trị; xây dựng và phát tán những “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”; tập hợp, thành lập những “hội”, “đoàn” độc lập, tổ chức chính trị đối lập với Đảng và hệ thống chính trị trong xã hội Việt Nam, v.v. Tất cả những biểu hiện đó, là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nguy hại hơn là trong số những người có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có cả một số vị là lão thành cách mạng, cán bộ cấp cao, trí thức có tên tuổi, ít nhiều có cống hiến cho đất nước, cho nên những nhận thức và hành động của họ dễ lây lan, phát tán là điều dễ hiểu.
            “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường xuất hiện khi cách mạng có những “bước ngoặt”, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phân hóa giàu nghèo, … dẫn tới sự bất mãn, bất bình trong xã hội; sự kích động, chia rẽ, lôi kéo, mua chuộc, “hà hơi tiếp sức” của các thế lực thù địch, v.v. Song, trước hết và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng; thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tranh giành, kèn cựa địa vị, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, vi phạm pháp luật, v.v. Khi bị phát giác, xử lý kỷ luật thì bảo thủ, không những không nhận ra sai lầm, khuyết điểm mà lại bất mãn, suy diễn, dẫn đến thay đổi nhận thức, quan điểm, lập trường, thiếu niềm tin vào Đảng, chế độ. Các biểu hiện suy thoái trên có quan hệ tương tác với nhau; từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn tới sự tha hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống và ngược lại, tha hóa về đạo đức, lối sống dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị. Trong khi đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, chặt chẽ và chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin đại chúng và tác động của mặt trái cơ chế thị trường, … ngày một gia tăng đã làm nghiêm trọng thêm sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
             Tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng nguy hiểm hơn trong điều kiện các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta. Giữa chúng có mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau và là hệ quả của nhau. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là “đồng minh” tự nhiên của “diễn biến hòa bình”, làm cho nó càng nguy hiểm hơn; đến lượt nó - “diễn biến hòa bình” lại tác động trở lại thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới sự mất còn của Đảng, Nhà nước và chế độ. Nó có thể diễn ra trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước và trong xã hội; nảy sinh từ những cán bộ, đảng viên, quần chúng đến những người có chức, có quyền trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp.
            Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã cảnh báo về sự hiện hữu của những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, mà nguyên nhân chủ yếu là do “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ vẫn còn nóng hổi. Đảng ta đã sớm cảnh báo và có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết đấu tranh, phòng, chống với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mới đây, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) đã ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Điều đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đồng thời, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng đối với thứ “giặc nội xâm” này. Để đấu tranh, phòng, chống hiệu quả cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
            Trước hết, cần làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mức độ nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh. Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn mơ hồ, chưa nhận thức đúng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ nguy hiểm của nó đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ. Bởi vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là giải pháp hết sức quan trọng. Trước mắt, cần làm cho mọi người nhận thức được những biểu hiện của nó đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra; tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; thấy được việc phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp diễn ra ngay trong nội bộ, giữa ta với ta, v.v. Đồng thời, làm rõ sự nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu như không phòng, chống, đấu tranh kịp thời, kiên quyết. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao quyết tâm, ý thức trách nhiệm, dám nói, dám làm, dám đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trước sự tác động chuyển hóa, cùng những tiêu cực trong đời sống xã hội. Việc giáo dục nâng cao nhận thức phải đi đôi với khắc phục những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, không thể hiện rõ lập trường, quan điểm trước những hành vi tiêu cực, hoặc thờ ơ, không dám đấu tranh với sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v.
            Hai là, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, Nghị quyết lần này đã thẳng thắn chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm cơ sở để đấu tranh, khắc phục. Nghị quyết xác định 4 nhóm giải pháp mang tính cơ bản, toàn diện, khoa học và có mối quan hệ biện chứng với nhau. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn thực hiện nghị quyết Trung ương 4 với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định về những điều đảng viên không được làm, tạo sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, phát huy vai trò của các tổ chức đảng và đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, trách nhiệm năng lực tốt và động cơ phấn đấu đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Trên cơ sở nhận thức đúng, nắm vững nội dung và hệ thống giải pháp, cấp ủy các cấp nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp, đánh giá đúng thực tế, nhận diện và chỉ ra những biểu hiện cụ thể ở từng cán bộ, đảng viên, bảo đảm rõ từng nội dung, hình thức, bước đi, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải, v.v.
            Ba là, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu. Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Thông qua việc làm này, cơ thể Đảng như được gột sạch những vết nhơ; cán bộ, đảng viên nhận rõ ưu, khuyết điểm của mình để phấn đấu và rèn luyện; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ được nhận diện và khắc phục. Bởi thế, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong hoạt động và sinh hoạt Đảng với tinh thần xây dựng, trung thực, chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với đó, cần đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đổi mới phong cách làm việc, sâu sát cơ sở. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, chuyển hóa, lũng đoạn nội bộ, tha hóa cán bộ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Vận dụng linh hoạt các biện pháp xử lý đối với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; “xây” đi liền với “chống”, nói đi đôi với làm, tạo môi trường thuận lợi phòng, chống có hiểu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
            Bốn là, phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trước mắt, cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, in-tơ-nét và các trang mạng xã hội; chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời. Chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương “người tốt, việc tốt”; đồng thời, có những bài viết sắc sảo, ý thức chính trị cao nhằm phê phán, lên án những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội và những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đi đôi với khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; cần xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền và lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền, xuyên tạc và có hành vi nói, viết, lưu trữ, phát tán tài liệu sai trái.
Nhận diện đúng, đấu tranh, khắc phục kịp thời những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là biện pháp hết sức quan trọng để khắc phục những hiểm họa khôn lường mà nó gây ra đối với Đảng và chế độ ta. Làm được điều đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ và làm thất bại những mưu đồ lợi dụng vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch./.
                                                                                    TRÁNG A LÂM


ĐẰNG SAU NHỮNG ĐỊNH KIẾN THIÊN LỆCH VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

         Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, Việt Nam đã có bước chuyển mạnh mẽ, tích cực về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước, tổ chức, cá nhân chưa thấy hoặc không muốn thấy kết quả đó, do định kiến; thậm chí có thế lực thù địch trắng trợn xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sau khi Quốc hội Khóa XIV vừa thông qua. Tại sao vậy?
            Những người theo dõi sát tình hình tôn giáo ở Việt Nam cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn đều có chung câu trả lời rằng: vấn đề không đơn thuần chỉ là định kiến thiên lệch, mà điều quan trọng hơn là những định kiến thiên lệch đó mang dụng ý xấu, nhằm chống phá Việt Nam. Có không ít những minh chứng cho thấy rõ điều này. Mới đây, ngày 10-8-2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại một lần nữa tự cho mình quyền phán xét về tự do tôn giáo thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngay sau khi bản báo cáo được đưa ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối về những thông tin sai sự thật, những trích dẫn không chính xác thể hiện sự sai lệch, định kiến của nó. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng: “Việt Nam ghi nhận một số điều chỉnh trong Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2015 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ so với các báo cáo trước đây, song đáng tiếc, Báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”. Cùng với dân chủ, nhân quyền việc đánh giá không khách quan đưa ra những thông tin sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam đã trở thành vấn đề mang tính hệ thống của Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây trong nhiều năm qua. Tình trạng đó có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có nguyên nhân về sự khác biệt trong quan niệm về vấn đề này giữa các quốc gia (khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội, pháp luật...), song cần khẳng định nguyên nhân sâu xa và trực tiếp nhất là những định kiến thiên lệch đó mang mưu đồ xấu, nhằm cổ súy cho tự do, dân chủ, nhân quyền không giới hạn, bất chấp luật pháp, lợi ích của quốc gia sở tại; hay xét đến cùng là hòng phá hoại các quốc gia này, trong đó có Việt Nam.
            Những phát triển, tiến bộ của Việt Nam về tự do tôn giáo đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao trong nhiều năm qua. Điều này thể hiện qua các điều luật, chế định về hoạt động tôn giáo đã được Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam xác định; qua sự mở rộng và lớn mạnh không ngừng về tổ chức và các hình thức hoạt động tôn giáo; qua thực tế các chính sách ưu tiên chăm lo phát triển các vùng dân cư của đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và trong các hoạt động đối ngoại quốc tế của các tôn giáo. Mọi hoạt động của các tổ chức, tín đồ tôn giáo trong những năm qua phù hợp với luật pháp đều diễn ra bình thường, không hề có sự ngăn cản, cấm đoán nào của các cấp chính quyền. Không những thế, Nhà nước Việt Nam còn có những chương trình, dự án quốc gia về chính sách tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các tôn giáo, nhất là các vùng Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, v.v. Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới việc tăng cường các hoạt động đối ngoại quốc tế về tôn giáo. Gần đây, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tham gia làm thành viên Hội đồng Giám mục châu Á, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh Phật giáo hằng năm; đồng thời, tổ chức đón các đoàn chức sắc, Phật giáo quốc tế tới thăm, tham dự một số hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Gắn liền với công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, việc đào tạo, bồi dưỡng các chức sắc, chức việc tôn giáo và cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong giáo hội được Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện và các giáo hội tiến hành tích cực. Nhiều cơ sở thờ tự mới được xây dựng, tu sửa khang trang. Việc tiến hành sinh hoạt tôn giáo được diễn ra thường xuyên… Điều đáng nói nhất là, ngày 18-11-2016, kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với tỷ lệ nhất trí cao (84,58% đại biểu tán thành), sau khi có sự tham khảo ý kiến của các chức sắc tôn giáo. Sự kiện này có ý nghĩa thiết thực đối với việc thúc đẩy tự do tôn giáo đang được Đảng, Nhà nước ta và các tổ chức, tín đồ tôn giáo quan tâm.
            Thế nhưng, mặc cho những phát triển tiến bộ về dân chủ, nhân quyền của Việt Nam nói chung, về tự do tôn giáo nói riêng đã được hầu hết các quốc gia trong Liên hợp quốc nhìn nhận tích cực, vẫn còn có những nhận định thiên lệch, hoặc thừa nhận một cách miễn cưỡng qua Báo cáo về tự do tôn giáo thế giới của Hoa Kỳ vừa qua. Một số vấn đề được cho là Chính phủ Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo: đối xử bạo lực, giam giữ, truy tố, giám sát việc đi lại với một số chức sắc tôn giáo; hạn chế các hoạt động của một số nhóm tôn giáo hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế; cản trở hoạt động của các tổ chức tôn giáo không đăng ký, v.v. Trong đó, nhiều thông tin không có cơ sở, mang tính mơ hồ, phỏng đoán được khai thác từ các tổ chức phi chính phủ đã từng bị nhiều quốc gia khác chỉ trích, nhưng vẫn đưa vào Báo cáo và được coi là sự thật. Việc đưa ra địa chỉ một số chức sắc tôn giáo được cho là bị xâm phạm tự do tôn giáo, thì trên thực tế hầu hết những nhân vật này đều có tỳ vết vi phạm pháp luật, như: kích động quần chúng biểu tình tự phát, có người còn là thành phần trong tổ chức công khai phản bác chế độ. Cùng với thời điểm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra Báo cáo về tự do tôn giáo thế giới, người ta còn nhận thấy rõ bàn tay của tổ chức phản động Cờ Vàng Việt Tân ở Ca-li-pho-ni-a “tát nước theo mưa”. Họ rầm rộ kêu gọi cộng đồng hải ngoại quyên góp ủng hộ cho cái gọi là “phong trào tự do tôn giáo” ở Việt Nam. Đi liền theo đó là những luận điệu xuyên tạc cho rằng “Việc Nhà nước Việt Nam đưa ra Luật Tôn giáo là nhằm siết chặt quyền tự do tôn giáo”, thậm chí trắng trợn hơn: “Những vi phạm về tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp diễn đã lên tới mức cần phải đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan ngại về tự do tôn giáo”.
            Mới đây, ngày 19-12, trong Hội nghị làm việc với chức sắc cao cấp các tổ chức tôn giáo toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, công tác tôn giáo, hoạt động tôn giáo đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, có cả sự xúi giục, kích động từ các thế lực xấu. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trên, Thủ tướng đề nghị các chức sắc cần tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước cùng tháo gỡ trên tinh thần xây dựng, thiện chí, khách quan, thượng tôn pháp luật, bảo đảm quyền tự do tôn giáo của mọi người, và phải: “kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế”. Đồng thời: “Phát huy các nguồn lực tôn giáo, tạo sức lan tỏa trong xã hội, xây dựng nếp sống văn minh tốt đời, đẹp đạo gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển đất nước”.
            Thiết nghĩ, đó là những định hướng cơ bản, đảm bảo cho sự phát triển, tiến bộ của các tổ chức tôn giáo, để tôn giáo ngày càng tham gia thiết thực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tự do tôn giáo của người dân ngày càng được phát huy đầy đủ.
                                                                                    THƯỜNG VŨ