Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Đằng sau chiêu trò “chính trị hóa” các vụ án hình sự

Một trong những chiêu trò mà các thế lực thù địch thường áp dụng khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là “chính trị hóa” các vụ án hình sự. Từ những vụ án đơn lẻ, các thế lực thù địch thổi phồng, xuyên tạc, suy diễn lái vụ việc sang hướng khác rồi quy kết thành những vấn đề chính trị của từng quốc gia. Tình hình chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Việt Nam thời gian gần đây càng cho thấy rõ điều đó.
Một điều chúng ta không khó để nhận ra trong thời gian qua là các thế lực thù địch cùng những phần tử cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước đã “chính trị hóa” một số vụ án hình sự bằng cách đơm đặt, dựng chuyện, xuyên tạc, suy diễn, cắt khúc, gán ghép các tình tiết trong vụ án với những vấn đề chính trị hệ trọng của đất nước, nhất là những vấn đề nóng, nhạy cảm trong xã hội để lợi dụng kích động, chống phá. Chẳng hạn như sự việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 123, Bộ luật Hình sự và tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143, Bộ luật Hình sự. Đây thực chất chỉ là một vụ án hình sự đơn lẻ, nhưng những kẻ “ăn không nói có” đã lượm lặt thông tin trên internet để nhào nặn rồi phán bừa rằng “vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường”... Rõ ràng họ đã lợi dụng vụ án hình sự đơn thuần để đơm đặt rồi lái sang câu chuyện “đoàn kết nội bộ” trong Đảng, trong chính quyền... Mục tiêu sâu xa mà các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, phản động hướng tới không gì khác là gây ra sự hoài nghi trong nội bộ, phá hoại sự đồng thuận trong xã hội, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.
Hay từ sự việc một số phần tử xấu ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh... núp dưới vỏ bọc “tôn giáo” lợi dụng sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung kích động, lôi kéo một bộ phận giáo dân tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự... Xét thấy có những yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng các địa phương đã khởi tố vụ án để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Thực chất đây chỉ là vụ án hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”... Thế nhưng thông qua một số trang mạng ở nước ngoài, các thế lực thù địch, những phần tử phản động đã "chính trị hóa" vụ việc này rồi lái câu chuyện sang vấn đề "dân chủ, nhân quyền" và cho rằng “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, “Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo”...
Tương tự mới đây là vụ Lê Duy Phong, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị Công an TP Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản", theo Điều 280, Bộ luật Hình sự... Thế nhưng trên một vài trang mạng, một số phần tử phản động, có tư tưởng thù địch đã xuyên tạc, suy diễn, quy chụp theo kiểu lấy cái cụ thể để đánh giá, kết luận về cái tổng thể và cho rằng "Việt Nam vi phạm tự do báo chí", chính quyền Việt Nam "gài bẫy" để đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vòng lao lý. Hơn thế, từ sự việc này họ còn suy diễn, xuyên tạc, bóp méo quan điểm của Đảng ta về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xuyên tạc thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Không chỉ vậy, họ còn cho rằng: “Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, “tăng cường phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”; có sự “bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng” của cấp ủy, chính quyền các cấp.... Nguy hiểm hơn, họ còn chụp mũ cho rằng tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là hệ quả của cơ chế lãnh đạo độc tôn.
Cần khẳng định một vài vụ việc nêu ra trên đây chỉ là những vụ án hình sự bình thường. Tuy nhiên, thông qua những bài viết trên một số trang mạng của những người có tư tưởng cực đoan, phản động đã xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo làm sai lệch bản chất vấn đề, hướng lái dư luận sang những vấn đề chính trị, xã hội hệ trọng khác như: Tự do tôn giáo, tự do báo chí, đoàn kết nội bộ... hòng triệt để khoét sâu từng vụ việc từ đó chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mục tiêu sâu xa của họ vẫn là nhằm phủ nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực, vẽ ra bức tranh méo mó về xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, để từ đó gieo rắc sự hoài nghi trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng; về khả năng quản lý, điều hành của chính quyền, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, để rồi thừa cơ xúi giục, kích động những người dân nhẹ dạ, cả tin đứng lên chống lại chính quyền, đòi thay đổi cương lĩnh, thể chế chính trị, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi chuyển xã hội ta sang một xã hội “đa nguyên, đa đảng”.
Từ những vấn đề lý luận chỉ ra và thực tiễn kiểm chứng, rõ ràng chúng ta không thể lấy hiện tượng để quy kết thành bản chất, không thể dùng cái đơn lẻ để quy thành hệ thống. Ấy vậy mà từ những vụ án hình sự đơn lẻ, các thế lực thù địch sẵn sàng suy diễn, gán ghép, quy chụp để từ đó đưa ra những nhận định về những vấn đề chính trị lớn trong xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chúng ta không lạ gì với chiêu trò này, bởi suy diễn, quy kết chủ quan, phiến diện trở thành thói quen, trở thành "căn bệnh" của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, phản động. Mọi sự việc, mọi vấn đề họ đều có thể suy diễn, chụp mũ miễn sao đạt được mục tiêu tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, bên cạnh những thành tựu, không một quốc gia, dân tộc nào không có những vấn đề phức tạp nảy sinh. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước, bên cạnh những thành quả đạt được, Đảng và Nhà nước Việt Nam không phủ nhận trong xã hội đã và đang tồn tại những vấn đề nổi cộm. Để giải quyết những vấn đề đó nhằm củng cố niềm tin trong nhân dân, Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt; đồng thời cũng kiên quyết lên án, đấu tranh không để các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề ấy để tiến hành các chiêu trò nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam.
Bản chất của chiêu trò “chính trị hóa” các vụ án hình sự nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch ngày càng hiện rõ. Thực tế cho thấy các thế lực thù địch luôn tận dụng triệt để mọi cơ hội có thể để thực hiện chiêu trò "chính trị hóa" các vụ án hình sự. Cho dù chiêu trò đó phần nào chứng tỏ sự bất lực của các thế lực thù địch trước thực tiễn sinh động của đất nước Việt Nam, nhưng cần phải thấy rõ đây là một âm mưu chính trị và hoạt động chống phá hết sức nguy hiểm. Mỗi người Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước cần nhận thức rõ về chiêu trò này và kiên quyết lật tẩy, đấu tranh, phản bác. Mặt khác mọi người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận trước chiêu trò ấy, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cơ hội chính trị, phản động cực đoan; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

KIM THANH

Cảnh giác và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những thông tin xấu độc nhằm vào cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân

Chống phá, làm giảm uy tín, vị thế của Quân đội ta luôn là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Một trong những thủ đoạn của họ là tạo thông tin giả mạo, mượn danh nghĩa người khác, mạo danh để bôi nhọ danh dự, uy tín của cán bộ cấp cao, nguyên là cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cần cảnh giác, đấu tranh loại bỏ các loại thông tin rác rưởi này!
Bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của Quân đội, cán bộ quân đội là thủ đoạn không mới, nhưng gần đây lại xuất hiện với tần suất cao một cách bất bình thường. Mới đây, trên một số trang mạng “lề trái” xuất hiện bức thư được cho là của Thiếu tướng Huỳnh Hương (tức Huỳnh Đắc Hương), nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị gửi Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Bức thư đề cập một số nội dung xuyên tạc, sai lệch, nhằm bôi nhọ danh dự, hạ uy tín của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương về nội dung liên quan đến bức thư. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương khẳng định rằng: là thế hệ đi trước, cả đời theo cách mạng, sống, chiến đấu và trưởng thành trong môi trường Quân đội, tôi luôn tin tưởng Quân đội. Đến lúc cơ quan chức năng đưa bức thư ra thì Ông mới biết có bức thư như thế và khẳng định: đã lâu, không viết bất cứ bức thư nào và chữ ký ở bức thư đó là giả mạo chữ ký của Ông. Ông nhấn mạnh thêm, nay đã nhiều tuổi, sức khỏe giảm sút, mắt kém và không biết sử dụng in-tơ-nét. Ông bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm ra người viết bức thư đã giả mạo tên và chữ ký của mình. Như vậy, trắng đen đã rõ, người ta đã giả mạo tên Ông, hòng lợi dụng uy tín cá nhân Ông để nói xấu lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Trò giả mạo chữ ký cán bộ cấp cao của Quân đội đã nghỉ hưu để “tham gia”, hoặc bày tỏ thái độ “băn khoăn” trước tình hình đất nước, những vấn đề nảy sinh trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc dưới dạng “thư ngỏ” hay “kiến nghị” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một thủ đoạn hèn hạ của những kẻ thù địch đối với Việt Nam. Thủ đoạn này không phải là mới, trước đây, chúng đã từng làm. Nhưng điểm khác là ở chỗ, những “thư ngỏ”, “kiến nghị” trước, có nhiều người cùng ký tên, còn nay chỉ cần một người có tên tuổi, uy tín và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương được họ lựa chọn để giả mạo là như vậy. Phải chăng họ làm việc vô đạo đức này là do nắm bắt được tâm lý của nhân dân luôn tin tưởng vào bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân? Đặc biệt nếu có tên của những cán bộ cao cấp trong Quân đội, nhất là cán bộ cấp tướng có uy tín thì rõ ràng càng tăng thêm sức nặng của “thư ngỏ”, “kiến nghị”. Thông qua việc mạo danh để xuyên tạc, nói xấu cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, họ hòng đánh lừa dư luận, thực chất là mê hoặc, “đánh cắp” niềm tin của nhân dân vào cán bộ của Đảng, Quân đội, tạo tâm lý hoài nghi, giao động, thiếu tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và Quân đội, làm nóng dư luận xã hội. Đáng tiếc là một số ít người do thiếu thông tin chính thống nên đã nhẹ dạ, cả tin vào những thông tin xấu độc đó, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, sự thật luôn là sự thật, sự thật là chân lý lịch sử. Những kẻ dùng trò xuyên tạc sự thật chỉ có thể lừa bịp được một số người trong thời điểm nhất định, còn về lâu dài vẫn sẽ là “trắng ra trắng, đen ra đen”, không thể “đồng thau lẫn lộn” mãi được.
Lịch sử đã phát xét những hành động “ngậm máu phun người”, “ném đá giấu tay” của kẻ tiểu nhân, vô đạo đức, bất chấp mọi thủ đoạn hòng đạt được mục đích chính trị. Những kẻ nêu ở trên lại đang theo vết xe đổ đó, cố tình vi phạm pháp luật, cần phải lên án, nghiêm trị.
Nhân đây cũng cần nói rõ thêm, trong lịch sử của Quân đội ta từ cán bộ quân sự chuyển sang làm cán bộ chính trị, hoặc từ cán bộ chính trị sang làm cán bộ quân sự không phải không có tiền lệ. Điều đó diễn ra ở mọi cấp của các đơn vị quân đội, từ đơn vị cơ sở đến cấp chiến lược. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất, năng lực của mỗi người, thì việc luân chuyển cán bộ để họ được khẳng định khả năng của mình trên các lĩnh vực công tác ở các cấp trong toàn quân được làm thường xuyên, tiến hành theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác cán bộ, những ai trong quân ngũ đều thấy rõ điều đó. Ở cấp chiến dịch, chiến lược gần đây, là Đồng chí Lê Văn Dũng từ Tư lệnh Quân khu 7 (năm 1995 - 1998) trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1998) và trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng (năm 1998 - 2001) sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 2001 đến năm 2011) và được thăng hàm Đại tướng năm 2007. Đồng chí Phương Minh Hòa từ Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (năm 2005) sang làm Tư lệnh Quân chủng này (năm 2010), trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2015 và được thăng hàm Thượng tướng. Không ít đồng chí từ cán bộ lực lượng vũ trang phát triển thành cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Đó là trường hợp Đại tướng Lê Đức Anh từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Trần Đại Quang từ Bộ trưởng Bộ Công an trở thành Chủ tịch nước thứ tư và thứ tám của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thượng tướng Lê Khả Phiêu từ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1991 - 1997, trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1997 - 2001, v.v. 
Ngược dòng lịch sử của dân tộc cho thấy, thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng nước ta đâu có được đào tạo cơ bản qua trường lớp chính quy, phần lớn chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, thế mà lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) vĩ đại. Tiếp đó, các thế hệ cán bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược tuy được đào tạo qua trường lớp có khá hơn trước, nhưng không thật nhiều, vậy mà đã cùng với nhân dân ta, dân tộc ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, như:  Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Thời thế tạo anh hùng”, trong thời kỳ này, nhiều cán bộ quân đội đã trở thành tướng lĩnh tài ba. Vị Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một điển hình. Đại tướng xuất thân từ thầy giáo dạy lịch sử, chứ đâu có phải là nhà quân sự, nhưng khi được Bác Hồ cử sang phụ trách Quân đội ta với tài năng thiên bẩm và trải nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú Đồng chí đã trở thành vị tướng mưu lược, quyết đoán, chỉ huy toàn quân đánh bại những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất là Pháp và Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành huyền thoại và là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân dân ta và bạn bè trên thế giới. Nói vậy để thấy rằng, học qua trường lớp là điều rất quan trọng, nhưng nhường thế là chưa đủ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhất là khả năng tư duy, tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện theo cương vị công tác của mỗi người. Hay nói cách khác, dù được đào tạo cơ bản, nhưng thiếu tư duy chiến lược, tầm nhìn hạn chế thì người đó khó mà lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn hiệu quả. Trên thế giới cũng như ở nước ta cho đến nay chưa có, đúng hơn không nhất thiết phải có trường lớp đào tạo người chủ trì cho một ngành, một lĩnh vực hay đào tạo nguyên thủ quốc gia. Thực tế chỉ có các trung tâm đào tạo cán bộ cấp chiến lược, trong số đó có người sau khi đào tạo, công tác, phát triển thành cán bộ chủ trì một ngành, một lĩnh vực và số rất ít là nguyên thủ quốc gia. Điều khẳng định, việc sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ chiến lược của Đảng ta được thực hiện chặt chẽ, cẩn trọng theo quy trình, quy định nghiêm ngặt, thống nhất, tập thể cấp ủy thảo luận, xem xét toàn diện, nhiều chiều để lựa chọn cán bộ một cách chính xác nhất vào từng vị trí. Về tổng thể, không có chuyện bố trí, sắp xếp cán bộ một cách tùy tiện, thiếu căn cứ. Vậy nên, việc có ý kiến không đồng tình với quyết định của Bộ Chính trị phân công một cán bộ nào đó đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, nhất là vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là hoàn toàn không có cơ sở.
Việc có “bức thư” mạo danh Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương để nói một số vấn đề về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được lan truyền trên không gian mạng thời gian qua cũng nằm trong “kịch bản” chống phá Quân đội đã được dàn dựng, chuẩn bị từ trước. Hẳn mọi người không lạ gì thủ đoạn đê hèn đó. Bởi, mưu đồ sâu xa của chúng là chống Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Mà muốn làm được điều đó thì việc chống phá Quân đội được chúng xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, nhằm chia rẽ Đảng với Quân đội, tạo mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ tình cảm quân - dân, gây tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ vào lãnh đạo Bộ Quốc phòng, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Vì vậy, cần phải cảnh giác và kiên quyết đấu tranh loại bỏ loại thông tin thất thiệt, xấu độc này, nhằm giữ vững uy tín, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân./.

                                                                 NGUYỄN PHÚ HƯNG